Vai trò then chốt của nghệ nhân, thanh đồng
Trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân dân gian (bao gồm người sáng tác hát văn, người chơi nhạc chầu văn, thợ may trang phục hầu đồng...) và các thanh đồng (người thực hành nghi lễ lên đồng) là những nhân tố nắm giữ tri thức truyền thống, kỹ năng biểu diễn và cảm quan tâm linh sâu sắc. Họ không chỉ giúp duy trì tính nguyên gốc, chuẩn mực trong thực hành nghi lễ mà còn đóng vai trò kết nối cộng đồng, hướng dẫn thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thanh đồng trẻ vào nghề thiếu nền tảng kiến thức, kỹ năng lẫn đạo đức thực hành. Một số biểu hiện lệch chuẩn đang diễn ra như: Nghi lễ bị thương mại hóa, trang phục và nghi thức bị cường điệu hoặc sai lệch, làm mất đi tính thiêng và giá trị văn hóa thực sự của di sản.
Thực trạng thiếu vắng các chương trình tập huấn bài bản
Dù đã có nhiều hội thảo, tọa đàm và chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về tín ngưỡng thờ Mẫu, song việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ thực hành vẫn chưa được triển khai một cách hệ thống. Các nghệ nhân phần lớn truyền nghề theo hình thức "cầm tay chỉ việc", thiếu giáo trình, quy chuẩn và nền tảng lý luận.
Việc thiếu chính sách hỗ trợ tập huấn khiến cho sự chênh lệch về trình độ giữa các thanh đồng rất lớn, từ đó ảnh hưởng đến sự thống nhất và chuẩn mực trong nghi lễ. Một số người thực hành theo xu hướng "cầu danh, cầu lộc", xa rời tính linh thiêng, làm méo mó hình ảnh của tín ngưỡng trong mắt công chúng.
Ông Nguyễn Danh Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển; Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Lương Nguyên, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản trao Giấy chứng nhận cho nghệ nhân tham gia Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Thánh Mẫu (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Đề xuất chính sách tập huấn và định hướng bảo tồn
Để khắc phục tình trạng trên, cần sớm xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn chính quy cho các nghệ nhân, thanh đồng theo các định hướng sau:
Tổ chức lớp tập huấn định kỳ do các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân ưu tú hướng dẫn, tập trung vào các nội dung như: kiến thức về hệ thống thần linh Tam phủ - Tứ phủ, nghi lễ hầu đồng, đạo đức người thanh đồng, nhạc lễ và hát văn chuẩn mực.
Soạn thảo tài liệu hướng dẫn thực hành nghi lễ, dựa trên khảo cứu khoa học kết hợp thực tiễn, để làm cơ sở thống nhất trong truyền dạy.
Công nhận và hỗ trợ nghệ nhân, thanh đồng uy tín trở thành hạt nhân đào tạo cộng đồng, tạo mạng lưới hướng dẫn thực hành tín ngưỡng tại các địa phương.
Kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch tâm linh, nhưng có kiểm soát, để nghệ nhân vừa được tôn vinh, vừa góp phần quảng bá giá trị văn hóa mà không thương mại hóa nghi lễ.
Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp như Hội Văn nghệ dân gian, Hội Di sản, Hội Phật giáo (trong phần giao thoa), để giám sát và tư vấn chuyên môn cho các hoạt động thực hành tín ngưỡng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tài sản văn hóa quý báu của người Việt, gắn với căn tính dân tộc và đời sống tâm linh cộng đồng. Để di sản này tiếp tục sống động, bền vững, không chỉ cần sự đam mê, tự nguyện của các nghệ nhân và thanh đồng, mà rất cần chính sách tập huấn, đào tạo bài bản từ cấp quản lý nhà nước và giới chuyên môn. Đây chính là con đường hiệu quả để bảo tồn di sản trong thời đại hiện đại hóa và toàn cầu hóa văn hóa ngày nay.
Nguyễn Danh Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển