Đoàn nghệ nhân xã Chư Drăng phục dựng Lễ cúng thổi tai trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao huyện Krông Pa
Dưới những tán cây rợp bóng mát tại Công viên Phú Túc, đoàn nghệ nhân xã Chư Drăng đã chọn phục dựng lễ cúng thổi tai với ý nghĩa chúc phước, đặt tên em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh, cầu cho em bé chóng lớn, khỏe mạnh, khôn ngoan, trở thành con người tốt của gia đình và cộng đồng.
Thực hiện nghi lễ cúng là Nghệ nhân Nay Nhưng (73 tuổi) thường gọi là Ơi Cheo và nghệ nhân Nay H Tơh (60 tuổi) là bà đỡ đầu cho em bé, các nghệ nhân cùng đến từ buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa.
Ông Ơi Cheo cho biết, từ khi sinh ra cho đến lúc về thế giới bên kia, người Jrai phải trải qua ba lễ cúng; trong đó lễ thổi tai được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ vòng đời. Cha mẹ sẽ tổ chức lễ thổi tai để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh.
Tai là bộ phận quan trọng để nghe, nhận biết tốt - xấu. Do đó, nghi thức thổi tai sẽ khai sáng và ban cho một đứa trẻ biết sống tốt cho mình và sống tử tế với người khác; biết chu toàn bổn phận trong gia đình, làm tròn trách nhiệm với cộng đồng.
Em bé được sinh ra là niềm vui, là niềm tự hào của gia đình.Vì vậy, nghi lễ còn có mục đích để gia đình gửi gắm con cho thần linh tiếp tục che chở, bảo vệ và dạy bảo con trẻ khôn lớn.
Việc phục dựng các nghi lễ truyền thống của các DTTS có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc từ ngàn đời của cha ông để lại
“Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, lễ vật cần có cho nghi lễ cúng bao gồm: 1 cây nêu, 1 ghè rượu, bầu đựng nước, dao, ống nứa thổi tai, bông vải, bát đồng, cuộn chỉ trắng, 1 con heo (hoặc bò); ngoài ra sẽ có một con gà nướng (trai thì gà trống, gái thì gà mái) cùng vài miếng gan, thịt, lòng... bỏ vào cái giỏ nhỏ lót lá cây sạch, một cái bát đồng đựng rượu và tiết của con vật hiến sinh.
Nhà nào khá giả thì làm to, nhà nào khó khăn thì chỉ cần 1 con gà và 1 ghè rượu cùng các vật để thổi tai dễ kiếm là được”, ông Ơi Cheo cho biết thêm.
Chuẩn bị xong xuôi vật lễ, ông Ơi Cheo và bà đỡ gọi cha mẹ bế em bé mới sinh ra ngồi trước lễ vật, ông Ơi Cheo chêm nước vào ghè rượu để mời thần linh, bà đỡ vỗ nhẹ vào ngực và lưng em bé.
Sau đó, ông Ơi Cheo khấn một bài khấn được truyền tụng từ ông bà tổ tiên: “Hỡi các Yang (thần linh), này đây chúng ta dâng các thần băng rượu ngọt, rượu chua, thịt heo, gà, muốn tiến hành thổi tai cho nó, mong rằng các Yang che chở, bao bọc, nuôi nấng, dìu dắt nó.
Chúng ta cột ghè rượu Ba, rượu Năm để dâng cho thần đỡ đẻ, thần trông nom trẻ, mong sau này cả nhà đi rẫy lên nương, mẹ nó chẻ củi, lấy nước không có gì vướng mắc trắc trở; cầu cho em bé sống khỏe mạnh.
Nó lớn lên được cha nhờ gánh nước, mẹ nhờ nương rẫy; người nó được khỏe mạnh, uống rượu, vui chơi với mọi người không bị rượu đè, ma xui làm việc xấu. Nó sống khỏe mạnh cứng cáp, con gái lớn vùn vụt như măng lên, con trai khỏe như cọp, không tóp không khô lại.
Này đây, các loại rượu ngon, thịt thơm dâng cho các Yang để sau này, ra sông, xuống suối, vào rừng lên núi; dù trời lạnh hay nóng, mưa hay nắng luôn luôn được Các yang che chở cho nó suốt cuộc đời...”.
Khấn xong, ông Ơi Cheo xoa nhẹ vào đầu, vào ngực, vào lưng, tay chân em bé, lấy ống nứa thổi tượng trưng vào tai em bé. Sau đó bà đỡ sẽ buộc vào tay em bé một sợi chỉ màu trắng như một sự khẳng định bây giờ em bé đã là con người, thuộc về thế giới con người và xin thần linh, hồn ma người chết đừng níu kéo em về với thế giới của họ.
Nghi lễ kết thúc trong sự phấn khởi của gia đình em bé và họ hàng. Mọi người cùng nhau liên hoan. Cha mẹ của đứa trẻ sẽ mời thầy cúng và bà đỡ uống rượu trước, sau đến lượt mình, rồi đến bà con họ hàng, thôn, làng cùng uống, cùng ca hát vui vẻ.
Nghi lễ kết thúc trong sự phấn khởi của gia đình em bé và họ hàng; mọi người cùng nhau liên hoan
Người Jrai tin rằng, sau khi lễ thổi tai được hoàn thành, em bé sẽ luôn khỏe mạnh, khôn ngoan, lanh lợi, trở thành người tốt.
Nghệ nhân Nay H Tơh cho biết: “Trước đây, phụ nữ Jrai thường sinh con tại nhà, có bà đỡ. Sau sinh nở, gia đình tổ chức lễ thổi tai để đặt tên cho em bé, cảm ơn bà đỡ, cầu chúc những điều tốt đẹp cho gia đình và đứa trẻ. Với cuộc sống phát triển như hiện nay, bà con hầu hết sẽ đến trạm y tế sinh nở. Thế nhưng, lễ thổi tai vẫn được duy trì và thực hiện”.
Bà Trịnh Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa chia sẻ:
“Việc phục dựng các nghi lễ truyền thống của các DTTS trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc từ ngàn đời của cha ông để lại.
Lễ thổi tai là một trong những nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào Jrai. Cùng với các lễ hội khác, huyện Krông Pa mong muốn thông qua các nghi lễ truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân làng.
Từ đó, giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng, độc đáo của đồng bào DTTS đến với Nhân dân, du khách gần xa. Thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống”.
NHƯ TRANG