Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa trở thành địa phương có cộng đồng người Chăm, người Raglai lớn nhất cả nước, với nhiều giá trị văn hóa độc đáo cần được bảo tồn và phát huy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đề cập đến giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng Chăm và Raglai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Anh - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận (cũ) chia sẻ:
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Anh - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận (cũ)
- Vùng đất Khánh Hòa hiện nay vốn chính là xứ Kauthara và Panduranga xưa (2 trong 5 tiểu quốc lập nên liên bang Champa cổ) nên nguồn di sản văn hóa Chăm trên địa bàn tỉnh rất đậm đặc và đa dạng, từ các đền tháp, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, âm nhạc… Đặc biệt hơn, trên địa bàn tỉnh có cộng đồng người Chăm Ahier và Chăm Awal, cộng đồng lưu giữ văn hóa cổ truyền xa xưa nhất của văn hóa Chăm. Những cộng đồng này chính là những “bảo tàng sống” về văn hóa Chăm.
Tương tự, cộng đồng dân tộc Raglai (một trong những dân tộc có lịch sử cư trú lâu đời ở vùng đất Nam Trung Bộ) có dân số chưa đến 147 nghìn người, song vẫn giữ gìn được rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ các loại nhạc cụ cổ xưa như đàn đá cho đến cồng chiêng (mã la), các loại nhạc cụ bằng tre nứa, các pho sử thi, làn điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống, các nghi lễ, phong tục tập quán đều được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ… Đấy là những di sản văn hóa giá trị cần được bảo tồn.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những di sản văn hóa độc đáo nhất của đồng bào Chăm, đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa?
- Đối với dân tộc Chăm, về di sản văn hóa vật thể, tỉnh Khánh Hòa có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt: Tháp Hòa Lai, tháp Pô Klong Garai vàTháp Bà Pô Nagar. Ngoài ra, còn có tháp Pô Rômê là di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia và 5 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia (phù điêu Pô Rômê, tượng Pô Klong Garai, bia Hòa Lai, bia Phước Thiện và bia Võ Cạnh). Về di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội Tháp Bà Tháp Bà Pô Nagar (Nha Trang), lễ hội Katê của đồng bào người Chăm theo đạo Bà la môn và nghi lễ đầu năm của người Chăm ở Bỉnh Nghĩa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, nghệ thuật làm gốm Chăm (làng gốm Bàu Trúc) được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn cấp bách. Bên cạnh đó, người Chăm hiện còn gìn giữ được nghệ thuật dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp (xã Ninh Phước cũ) - biểu tượng rực rỡ của một thời văn hóa Chăm Pa ở xứ Panduranga xưa.
Cộng đồng dân tộc Raglai cũng có nhiều di sản văn hóa nổi tiếng như: Bảo vật quốc gia đàn đá Khánh Sơn, kho tàng sử thi (8 sử thi được Hội đồng Quốc gia công nhận là sử thi đã và đang được biên dịch, xuất bản), âm nhạc truyền thống, nhà dài… Người Raglai còn có một kho tàng lễ hội dân gian phong phú và độc đáo như: Lễ bỏ mả, lễ hội ăn đầu lúa mới, lễ cưới, lễ cầu mưa thuận gió hòa, lễ trưởng thành, lễ xuống giống… Trong đó, lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong lịch sử của mình, dân tộc Raglai không chỉ chống chọi với các thế lực thiên tai, địch họa để sinh tồn mà còn góp công sức trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà. Nhiều người con của đồng bào dân tộc Raglai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao, phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân như: Pinăng Tắc, Bo Bo Tới… Trong đó, bẫy đá Pinăng Tắc đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
- Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào Chăm, tỉnh Khánh Hòa cần làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
- Những năm qua, Khánh Hòa và Ninh Thuận (trước đây) đã quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa Chăm và Raglai. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, bảo tồn khá tốt, nhất là văn hóa Chăm. Rõ nét nhất là các đền tháp của người Chăm đã được trùng tu, tôn tạo; các lễ hội, làng nghề truyền thống được duy trì; các điệu múa Chăm được nghiên cứu, phục dựng…
Tuy nhiên, về lâu dài, tôi nghĩ rằng UBND tỉnh Khánh Hòa cần phải có đề án tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Chăm và Raglai. Trong đó phải có những tiểu dự án, chương trình có tính đột phá hơn, có “tham vọng” lớn hơn như: Lập hồ sơ đề nghị các tháp Chăm ở Khánh Hòa (Tháp Bà Pô Nagar, tháp Pô Klong Garai, tháp Hòa Lai) là di sản văn hóa của nhân loại; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa Chăm (trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm ở Phan Rang trước đây) để làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa Chăm; xây dựng Trung tâm Bảo tồn văn hóa Raglai (tốt nhất là làm ở xã Bác Ái Đông). Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội, làng nghề truyền thống, xây dựng các đội văn nghệ truyền thống của đồng bào Chăm và Raglai; hỗ trợ khôi phục các nhà sàn truyền thống Raglai, các lớp truyền dạy sử thi, sử dụng và chế tác nhạc cụ của đồng bào Raglai... Trong đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân, duy trì hoạt động các làng nghề truyền thống, gắn kết chặt chẽ hơn nữa với hoạt động du lịch. Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch cần hỗ trợ để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng để người dân có sinh kế, giá trị văn hóa truyền thống được lan tỏa. Đơn cử như với làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp muốn bảo tồn thì phải để người dân sống được với nghề. Muốn vậy phải xây dựng điểm đến du lịch với đầy đủ dịch vụ như chụp ảnh với các loại hình trang phục Chăm, xem nghệ thuật biểu diễn dân gian Chăm, nghe những truyền thuyết về các sự tích Chăm. Cần thay đổi tư duy phát triển điểm đến du lịch theo hướng không chỉ bán sản phẩm gốm hay dệt mà bán cả câu chuyện về nghệ thuật làm gốm, nghệ thuật dệt và văn hóa Chăm.
Người dân và du khách đi lễ hội Katê ở Tháp Po Klong Garai.
- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa không thể tách rời nhau. Với kinh nghiệm của mình, ông có gợi ý gì về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch?
- Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn vươn mình thì gốc rễ phải vững bền, phải làm tốt việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đà phát triển kinh tế, hội nhập, đời sống - xã hội có nhiều cái đang thay đổi rất nhanh, tuy nhiên, có những cái chất chứa tinh thần, tinh hoa độc đáo, đặc sắc của các cộng đồng dân tộc thì cần phải được lưu giữ. Trong quá trình bảo tồn văn hóa, không nên áp đặt mà cần tạo điều kiện cho đồng bào gìn giữ văn hóa của dân tộc mình bởi họ chính là chủ thể của nền văn hóa đó. Và phải đạt được mục tiêu kép là gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với du lịch, đây là một trong những nhiệm vụ thực hiện kinh tế trong văn hóa và chương trình công nghiệp văn hóa.
Muốn làm được điều này, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách để huy động được các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; kết hợp việc thực hiện Đề án 6 chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, miền núi với các chương trình phát triển du lịch cộng đồng trên quan điểm phát triển phải tạo điều kiện sinh kế cho người dân tại chỗ. Cần có các giải pháp huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; nghiên cứu việc thành lập quỹ từ nguồn xã hội hóa để động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân và các tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức vào việc bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích. Cùng với đó, chủ động tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa, giới thiệu văn hóa Chăm và Raglai với khách quốc tế trong và ngoài nước để quảng bá giá trị văn hóa của Khánh Hòa, gắn hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với hoạt động đối ngoại, quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư… tạo nên sự khác biệt về du lịch văn hóa, góp phần xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, giàu bản sắc văn hóa.
- Xin cảm ơn ông!
Tính đến năm 2019, tổng số người Chăm ở Việt Nam khoảng 178.948 người. Trong đó, số lượng người Chăm tại Ninh Thuận là 67.517 người, chiếm khoảng 41,6% tổng số người Chăm của cả nước. Về dân tộc Raglai, cả nước có 146.613 người, đứng thứ 19 trong 54 dân tộc ở Việt Nam. Trong đó, Ninh Thuận có 70.366 người (nhiều nhất cả nước), Khánh Hòa có 55.844 người. Sau sáp nhập, người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa mới là 126.210 người, chiếm tỷ lệ 86% người Raglai ở Việt Nam.
XUÂN THÀNH (Thực hiện)