Cần có những chính sách phát triển Đồng bằng sông Cửu Long mạnh mẽ hơn

Cần có những chính sách phát triển Đồng bằng sông Cửu Long mạnh mẽ hơn
4 giờ trướcBài gốc
Quốc hội họp toàn thể về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng
Theo đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH An Giang), hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế trong phát triển như thiếu công nghệ; thiếu nhân lực chất lượng cao; thiếu cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông; thiếu chính sách phát triển và sự liên kết giữa các địa phương. Trong khi, vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem là khu vực đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Hơn nữa, Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Từ những lý do trên và với nhận định các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gần giống nhau về cơ sở xã hội, con người, văn hóa, địa lý, thổ nhưỡng…, nên có thể xem là cùng chung điều kiện để phát triển, đại biểu Trình Lam Sinh kiến nghị Chính phủ có những chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ chủ trì liên kết vùng trong phát triển.
Về hạ tầng, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, công nghệ chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất mới, phương pháp canh tác, nuôi trồng hiện đại, hiệu quả…, giúp Đồng bằng sông Cửu Long có thể làm giàu bằng chính lợi thế của mình.
Theo báo cáo của Chính phủ, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang được triển khai 16 dự án với vốn vay nước ngoài khoảng 2,5 tỷ USD để góp phần phát triển kinh tế vùng. Đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng.
Một, dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm nối Quốc lộ 91C đi cửa khẩu quốc tế Khánh Bình của tỉnh An Giang.
“Với 2 dự án giao thông này và dự án cảng biển nước sâu Trần Đề hình thành trong tương lai, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hưởng lợi rất nhiều trong việc vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa đi các nước tiểu vùng sông Mê Kông và quốc tế” – Đại biểu Trình Lam Sinh nhận định.
Hai, dự án xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự kết nối các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An, hình thành tuyến hành lang giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa của khu vực kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Ba, dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 950 thuộc tỉnh An Giang và đoạn kết nối Quốc lộ 110 của tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia), đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu đoạn ngắn nhất đến Thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia. Những dự án này khi được đầu tư và đưa vào vận hành sẽ đem lại nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh An Giang.
Đề xuất sớm đầu tư giai đoạn 2 của hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé
Cùng đề cập đến sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH Cà Mau) nhận định, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bố trí vốn theo yêu cầu của nhiều tỉnh, tạo điều kiện rất thuận lợi cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng theo đại biểu, hầu như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng mới chỉ tập trung các công trình lớn từ các tỉnh tuyến trên. Trong khi đó, hệ thống giao thông thủy lợi ở Cà Mau hầu như không được đầu tư công trình lớn nào. Do vậy, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất của tỉnh không đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong điều kiện tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.
Do đó, đại biểu kiến nghị Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sớm đầu tư giai đoạn 2 của hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé. Dự án đã được phê duyệt nguồn vốn đầu tư có sẵn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Nếu hệ thống này sớm được thi công, đưa vào sử dụng sẽ làm chậm xâm nhập mặn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ sản xuất, đủ điều kiện bơm nước vào hệ thống kênh trong mùa khô để phục vụ tình trạng bị thiếu nước cuối mùa vụ và giảm nguy cơ sụt lún, sạt lở, phát huy tối đa khu vực này” – Đại biểu nói. Đến nay, hệ thống vẫn chưa triển khai thực hiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải chưa thống nhất việc bàn giao.
Đề cập đến Đề án phòng, chống sạt lở, sụt lún, hạn mặn, thiếu nước sạch của Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu cho biết, Đề án đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng xong và đã trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng riêng đề án phòng, chống sạt lở, sụt lún, hạn mặn, thiếu nước sạch. Tuy nhiên, Cà Mau còn phải chờ phê duyệt Đề án vùng Đồng bằng sông Cửu Long xong thì mới được xem xét dự án của tỉnh.
Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt Đề án phòng, chống sụt, sạt lở, hạn mặn, thiếu nước sạch sinh hoạt của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, đại biểu kiến nghị đối với vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, cần quan tâm, tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống đê biển, khép kín đê biển Tây, đầu tư hoàn thiện đê biển Đông và kè những đoạn còn lại để bảo đảm đê biển.
Theo đại biểu, tại Thông báo số 335 Văn phòng Chính phủ ngày 19/7/2024, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác làm việc với các Bộ, ngành, địa phương về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan, trong đó có tỉnh Cà Mau, quốc lộ đoạn từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn cùng với đoạn đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn đi Đất Mũi là tuyến đường huyết mạch độc đáo từ thành phố Cà Mau kết nối đến Đất Mũi Cà Mau, địa điểm cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc.
Đây là tuyến đường mang tính xương sống, giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ tiềm năng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Tuy nhiên, hiện trạng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh còn nhỏ hẹp. Quốc lộ 1 phần lớn có quy mô 2 làn xe. Đường Hồ Chí Minh chỉ đảm bảo 2 làn xe hạn chế, chưa đảm bảo 2 làn xe tiêu chuẩn, trong khi đó lưu lượng giao thông trên tuyến này rất cao, không ngừng tăng nhanh, tập trung nhiều phương tiện tải trọng lớn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không còn là “vùng trũng” cao tốc. (Ảnh: Giao thông)
Đại biểu cho biết, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ nêu trên. Việc sớm đầu tư đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu để giải quyết tình trạng bức xúc hiện nay, đảm bảo khai thác đồng bộ tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm báo cáo Chính phủ về phương án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, trong đó có lộ trình cụ thể triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Kiến nghị Quốc hội xem xét, quan tâm trong phương án phân bổ vốn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2024 để Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai thực hiện…
Đề xuất ban hành Nghị quyết đặc thù về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thay cho Nghị quyết 120/NQ-CP
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH Vĩnh Long, chưa bao giờ hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long được dồn lực đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Từng là “vùng trũng” cao tốc, đến nay vùng đã có 120km cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ được đưa vào khai thác. Mục tiêu, đến năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác và đến năm 2030 là 763km.
“Đây là những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội đầu tư, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, vươn lên cùng cả nước” – đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang là thách thức không nhỏ đối với hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế ghi nhận, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực, như các tuyến Quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là Quốc lộ 1 qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau. Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.
Với nhận định phát triển bền vững được xem là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh trân trọng đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành Nghị quyết đặc thù về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thay cho Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Đây là một chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn và thịnh vượng” – đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.
Quý Anh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/can-co-nhung-chinh-sach-phat-trien-dong-bang-song-cuu-long-manh-me-hon-387679.html