Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp.
TIẾP TỤC RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ TRIỂN KHAI, VẬN HÀNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nêu rõ, qua các báo cáo chuyên đề của Chính phủ cho thấy, kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 tiếp tục khẳng định tinh thần trách nhiệm, chủ động của các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp là cơ sở tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu đề ra, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội; kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện...
Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với đánh giá của Chính phủ và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về nhiều điểm nghẽn được nhìn nhận xuất phát từ nguyên nhân khách quan cũng như yếu tố chủ quan.
Đại biểu cho biết, hiện vẫn còn nhận định vướng mắc cơ chế, quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dù Quốc hội ban hành nhiều chủ trương mới, một số cơ chế đặc thù được kỳ vọng cao khi ban hành nhưng chưa tạo tác động nhiều trong thực tiễn...
Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận tại hội trường.
Trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các địa phương hiện nay còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện do một số nội dung còn chưa thực sự cụ thể, rõ ràng và thuận lợi. Việc ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương còn có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng, triển khai văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương...
Đối chiếu giữa kết quả và chỉ tiêu, còn một số lĩnh vực, mặt công tác còn khoảng cách cần có sự tập trung cao để bảo đảm yêu cầu tiến độ; trong bối cảnh thời gian thực hiện ngày càng rút ngắn…
Bên cạnh các giải pháp đã được đề ra, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý triển khai, vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội là thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị: Chú trọng đánh giá kết quả thực hiện các nội dung đã ban hành tại Nghị quyết số 111 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là góc độ thúc đẩy công tác giải ngân. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 một tổng thể, có tính hệ thống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước, nhất là sự thiếu đồng bộ, thống nhất về cơ chế, chính sách giữa 3 chương trình.
Khẩn trương hoàn thành xây dựng Hệ thống giám sát, đánh giá các chương trình; tăng cường chỉ đạo công tác theo dõi, đánh giá tiến độ triển khai và kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đến từng dự án/tiểu dự án thống nhất từ Trung ương đến địa phương… Xem xét, năm 2025, quan tâm bố trí tăng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng cường nguồn lực thực hiện các chính sách tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo.
XÂY DỰNG CÁC TRUNG TÂM PHÁT HIỆN SỚM VÀ CAN THIỆP CHUYÊN BIỆT CHO TRẺ TỰ KỶ
Tham gia ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, bên cạnh những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trợ giúp các đối tượng yếu thế…, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề gia tăng trong cuộc sống hiện đại, trong đó có vấn đề của trẻ em tự kỷ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người tự kỷ, trong đó phần lớn là trẻ em. Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam đang tăng lên đáng kể, trở thành một vấn đề xã hội. Trẻ em tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, tương tác xã hội và thực hiện các hoạt động hằng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận tại hội trường.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị Chính phủ thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu trong chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ; hình thành và phát triển các trung tâm phát hiện sớm và can thiệp chuyên biệt cho trẻ tự kỷ công lập, với mức phí hợp lý và kỹ thuật chuyên sâu.
Đồng thời, tăng cường đào tạo giáo viên có chuyên môn về điều trị tự kỷ cho các trường mầm non và tiểu học, để trẻ tự kỷ có môi trường hòa nhập; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức về hỗ trợ trẻ em tự kỷ cho cha mẹ, người chăm sóc và cộng đồng…
Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện sâu sắc, thể hiện quyết tâm, tâm huyết của các ĐBQH đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và của đông đảo cử tri quan tâm. Tại phiên thảo luận, các Bộ trưởng gồm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình nhiều vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm. Một số nội dung khác có liên quan đến các lĩnh vực khác sẽ được giải trình tại Phiên chất vấn và các phiên họp khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ĐBQH thống nhất, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 và thiên tai bão lũ miền Trung, tuy nhiên, dưới sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư và sự nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành và sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, nền kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phục hồi và phát triển.
ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự phiên thảo luận tại hội trường.
Việt Nam dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GDP ước tăng 6,8% - 7%, đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng đạt những bước phát triển mới và quan trọng. Lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương cơ sở ở mức cao, đời sống an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả quan trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, kết quả thực hiện kinh tế - xã hội của năm 2025 đóng góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2025 nhưng các đại biểu đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Kết luận của Trung ương, nhất là Kết luận 97 của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về kinh tế - xã hội năm 2024 - 2025…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết của các nghị quyết của Quốc hội gửi ĐBQH cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
S.N - MINH TRÍ