Cần có phương án giải quyết các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung kém hiệu quả

Cần có phương án giải quyết các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung kém hiệu quả
2 giờ trướcBài gốc
447 công trình không hoạt động và hoạt động không hiệu quả
Giai đoạn 2018 - 2023, việc đầu tư, phát triển hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và duy tu, bảo dưỡng các công trình được cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh và các cơ quan chức năng quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều nguồn vốn khác nhau... Có 224 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần đưa tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh qua các năm đạt kế hoạch đề ra, cụ thể năm 2018 đạt 88%, đến năm 2023 đạt 93,15%, trong đó, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế năm 2019 đạt 10,66%, đến năm 2023 đạt 19,33%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung năm 2019 đạt 7,8%, đến năm 2023 đạt 12,45%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.504 công trình cấp nước tập trung bao gồm cả các công trình đầu tư từ những giai đoạn trước trong đó 240 công trình.
Công tác phê duyệt dự án của một số công trình do cấp huyện làm chủ đầu tư chưa phù hợp, gây khó khăn, lãng phí trong việc đầu tư, khai thác, bảo vệ công trình; tình trạng vi phạm thời hạn quyết toán dự án hoàn thành, công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì các công trình sau đầu tư chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên (trên địa bàn tỉnh có 1.504 công trình, giai đoạn 2018 - 2023 chỉ có 41 công trình được duy tu, bảo dưỡng). Các đơn vị quản lý, vận hành công trình không thực hiện theo dõi, quản lý tài sản trên sổ sách để tính khấu hao và thực hiện bảo dưỡng công trình sau khi hết thời gian bảo hành... Theo đó, nguồn vốn phân bổ để đầu tư xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sạch nông thôn tập trung hằng năm còn hạn chế; cán bộ lãnh đạo cấp xã, công chức địa chính - xây dựng, công tác tài chính thường xuyên luân chuyển là nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác theo dõi hồ sơ bàn giao tài sản (công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung); công tác chỉ đạo triển khai cụ thể hóa các văn bản của Trung ương chưa kịp thời; quy trình đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung chưa được khép kín, nhiều công trình sau đầu tư được đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán dự án hoàn thành; nhận thức, ý thức của một số người dân trong việc sử dụng tiết kiệm nước, bảo vệ nguồn nước, sử dụng và bảo vệ các công trình nước sạch nông thôn tập trung còn nhiều hạn chế. Đối với các công trình giao UBND xã quản lý và UBND xã giao cho Tổ cộng đồng quản lý, khai thác thì lực lượng vận hành của một số công trình chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên môn nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các công trình...
Cần có giải pháp quản lý hiệu quả, tránh lãng phí
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh có nhiều giải pháp cụ thể cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh cho khu vực nông thôn. Không ít ý kiến bức xúc của người dân về nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường được giải quyết, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch tăng dần qua các năm. Tuy vậy, tính bền vững của các thành quả đạt được chưa cao, chất lượng nước, chất lượng xây dựng các công trình còn nhiều bất cập. Nhiều công trình nước hoạt động kém và không hoạt động gây lãng phí vốn đầu tư.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực tế công trình nước sinh hoạt tại xã Hoa Thám (Nguyên Bình).
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh là nguồn vốn. Do thiếu nguồn vốn khiến nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, xuống cấp tại các địa phương không được sửa chữa kịp thời nên phải ngừng hoạt động. Vì vậy, để phát triển lĩnh vực nước sạch nông thôn, phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động nguồn vốn đầu tư, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cần khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa.
Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh thực hiện các trách nhiệm của UBND tỉnh và chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; quan tâm bố trí kinh phí (đầu tư công) để triển khai đầu tư mới các công trình nước sạch nông thôn; kinh phí (chi thường xuyên) để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình đã sử dụng lâu năm, mở các lớp tập huấn cho công chức cấp huyện, cấp xã và cá nhân, doanh nghiệp thực hiện công tác quản lý, khai thác các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn.
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, Thành phố tham mưu UBND tỉnh sớm có phương án giải quyết đối với 447 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không hoạt động và hoạt động kém hiệu quả; sớm triển khai Dự án xây dựng các công trình cấp, trữ nước vùng Lục Khu, đã khảo sát từ năm 2021 - 2022 nhưng đến nay chưa được thực hiện; xây dựng và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá nước sạch nông thôn. Qua đó, có cơ sở để tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ về giá nước sạch phù hợp với khả năng cân đối của địa phương để người dân có cơ hội được tiếp cận nước sạch...
Nông Huế
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/can-co-phuong-an-giai-quyet-cac-cong-trinh-cap-nuoc-sach-nong-thon-tap-trung-kem-hieu-qua-3172772.html