Căn cứ cách mạng Đắk Tuôr 'khoác' áo mới

Căn cứ cách mạng Đắk Tuôr 'khoác' áo mới
8 giờ trướcBài gốc
Buôn Đắk Tuôr được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia (Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965 - 1975).
Đây cũng là căn cứ cách mạng trọng yếu của Tỉnh ủy và các cơ quan đầu não của cách mạng Đắk Lắk trong kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk. Nửa thế kỷ đi qua, từ vùng đất bị bom đạn “cày xới”, buôn Đắk Tuôr đã “khoác” lên mình tấm áo mới khi ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.
Anh hùng trong kháng chiến
Buôn Đắk Tuôr nằm trong dãy núi Cư Yang Sin hùng vĩ, từ năm 1965 - 1975 là căn cứ của Tỉnh ủy Đắk Lắk và nhiều ban, ngành như Ban Tuyên huấn, Ban Dân vận, Ban Quân sự, bộ phận in ấn, thông tin liên lạc, y tế, hậu cần… Đây cũng là trung tâm hoạch định chiến lược, chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ III (tháng 7/1966) được tổ chức tại căn cứ Đắk Tuôr, xác định quyết tâm cùng quân và dân cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy; đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng vùng căn cứ vững mạnh…
Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến, núi rừng Cư Yang Sin và bà con M’nông tại buôn Đắk Tuôr có vai trò quan trọng trong nuôi dấu và bảo vệ cán bộ cách mạng. Bà con buôn làng vừa sản xuất, vừa làm giao liên, vận chuyển lương thực, thuốc men; canh gác cho các cuộc họp bí mật, cảnh báo khi có địch càn quét… trở thành chỗ dựa vững chắc cho Tỉnh ủy và các cơ quan kháng chiến hoạt động an toàn suốt thời gian dài và cho đến ngày toàn thắng.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng trong ký ức của già làng Y Zăh Niê (sinh năm 1964, buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui) vẫn nhớ những câu chuyện của ông, bà kể về giai đoạn buôn làng vùng lên kháng chiến, bảo vệ cách mạng.
Già làng buôn Đắk Tuôr Y Zăh Niê (bên trái, đứng giữa) kể cho các thế hệ trong buôn về Anh hùng LLVTND Y Ơn Niê – người con bất khuất của buôn làng Đắk Tuôr.
Già làng Y Zăh Niê cho biết, bà con M’nông của buôn sớm giác ngộ cách mạng, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, một lòng tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, quyết tâm bảo vệ căn cứ cách mạng, phục vụ kháng chiến lâu dài dù thường xuyên đối mặt với bom, đạn của kẻ thù. Đặc biệt, tấm gương hy sinh của người con buôn Đắk Tuôr, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Y Ơn Niê vào tháng 10/1962 càng tăng lòng căm thù giặc và khơi dậy ý chí quật cường, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm của buôn làng Đắk Tuôr.
Theo già làng Y Zăh Niê, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Y Ơn Niê là Đội trưởng chỉ huy Đội du kích buôn Đắk Tuôr. Sau khi địch bắt và không thể khai thác thông tin, chúng đã xử tử anh ngay tại buôn làng. Trước lúc hy sinh, anh hùng Y Ơn Niê còn kêu gọi bà con đi theo cách mạng, Đảng và Bác Hồ đến cùng ! Ngày nay, Nhà nước đã xây dựng Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Y Ơn Niê tại buôn Đắk Tuôr để tưởng nhớ. Nơi đây cũng trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của Liệt sĩ Y Ơn Niê và nhân dân buôn làng Đắk Tuôr.
Theo các tài liệu lịch sử, căn cứ Đắk Tuôr là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ thống căn cứ chiến lược của cách mạng tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, căn cứ góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 - mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đổi thay ở Đắk Tuôr
Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường, điện, thủy lợi… của buôn Đắk Tuôr ngày càng được đầu tư hoàn thiện.
Sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bà con buôn Đắk Tuôr ra sức lao động sản xuất, kiến thiết buôn làng. Nửa thế kỷ đi qua, căn cứ cách mạng Đắk Tuôr từng bị bom đạn tàn phá đã “khoác” áo mới. Những vùng đất từng hứng chịu sự càn quét của quân giặc nay đã trở thành những rẫy cà phê bạt ngàn và đồng lúa mênh mông.
Vui mừng trước sự đổi thay của buôn Đắk Tuôr, Già làng Y Zăh Niê cho biết: Sau ngày giải phóng, đời sống bà con hết sức khó khăn, cả buôn chỉ lác đác ít ngôi nhà do chủ yếu sống và kháng chiến trong rừng núi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và sự hỗ trợ của nhiều chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như sự nỗ lực vươn lên của bà con buôn làng mà ngày nay đời sống bà con khấm khá lên rất nhiều. Y tế, giáo dục phát triển; bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ, phát huy… Những ngôi nhà khang trang, đường bê tông, nhựa… giúp buôn làng thay đổi hoàn toàn diện mạo.
Trưởng buôn Đắk Tuôr Y Thu Niê cho biết, toàn buôn hiện có 173 hộ, hơn 850 khẩu với 99% là đồng bào M’nông. Trước đây, người dân chủ yếu sống trong nhà tranh vách nứa, đời sống kinh tế khó khăn, phải du canh du cư. Quá trình phát triển, nhờ có chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách hỗ trợ của Nhà nước bà con đã được hỗ trợ về mọi mặt. Hệ thống thủy lợi đưa nước về đồng ruộng giúp người dân canh tác ổn định; việc hỗ trợ vay vốn ngân hàng giúp bà con đầu tư trồng cà phê, chăn nuôi bò, lợn…
Cùng với quá trình hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong buôn dần tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong canh tác; xóa bỏ hủ tục và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp. Đến nay, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân có sự thay đổi rõ rệt, nhiều hộ vươn lên làm giàu, toàn buôn không còn nhà tạm, nhà dột nát, diện mạo buôn làng ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 60% năm 2023 đến nay còn 40%. Đặc biệt, những năm gần đây, giá cà phê, lúa gạo tăng cao nên bà con ai nấy đều phấn khởi, ra sức lao động, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình và chung tay xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp”, anh Y Thu Niê vui mừng cho hay.
Người dân buôn Đắk Tuôr đã đầu tư nhiều diện tích cà phê cho giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở buôn làng.
Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Minh Nghiệp cho biết, với vị trí địa chiến lược quan trọng, buôn Đắk Tuôr đã được các cấp lãnh đạo chọn làm căn cứ kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk thời kỳ chống đế quốc Mỹ, giai đoạn 1965 - 1975. Nơi đây đã được Trung ương xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia (Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965 - 1975) và xã Cư Pui được công nhận là Xã an toàn khu.
Với những giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng, thời gian tới, địa phương sẽ tích cực hơn nữa trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử; đặc biệt, chú trọng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, triển khai rộng rãi các chương trình trong đoàn viên thanh niên, học sinh với những hoạt động như: Về nguồn, giới thiệu địa chỉ đỏ, tổ chức sinh hoạt đoàn viên, kết nạp đoàn viên tại điểm di tích, lồng ghép nội dung giới thiệu di tích lịch sử trong sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt chuyên đề cho học sinh của các trường học trên địa bàn xã…
Các hoạt động tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ thấm nhuần lịch sử dân tộc nói chung và truyền thống anh hùng của nhân dân các dân tộc ở địa phương nói riêng trong lịch sử chiến đấu, giải phóng quê hương, đất nước; tạo niềm tự hào quê hương; lan tỏa những hành động đẹp trong giữ gìn, bảo quản, quảng bá và giới thiệu các nét đẹp, các giá trị của di tích lịch sử đến nhiều địa phương khác, góp phần quan trọng cho kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng buôn Đắk Tuôr sau này.
Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/dia-phuong/can-cu-cach-mang-dak-tuor-khoacao-moi-20250421173641135.htm