Căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy – Dấu ấn lịch sử trong kháng chiến chống đế quốc

Căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy – Dấu ấn lịch sử trong kháng chiến chống đế quốc
6 giờ trướcBài gốc
Căn cứ đầu não của cách mạng địa phương thời kỳ kháng chiến
Tháng 8/1968, trong bối cảnh tình hình chiến sự miền Nam có nhiều chuyển biến, Thường vụ Khu ủy 6 quyết định giải thể Tỉnh ủy Bắc Bình và thành lập tỉnh mới – tỉnh Bình Tuy. Từ đó Tỉnh ủy Bình Tuy được thành lập và lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Sau giải phóng, Trung ương đã tiến hành nhập tỉnh Bình Tuy vào lại tỉnh Bình Thuận và thống nhất một tỉnh Bình Thuận như ngày nay.
Căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy trong kháng chiến chống Mỹ nằm ở thượng nguồn Sông Phan.
Căn cứ đầu tiên của Tỉnh ủy Bình Tuy được đặt tại tiểu khu 368, Lâm trường Sông Dinh – nay thuộc địa bàn xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh. Khu vực này nằm dưới chân núi Ông, dọc theo thượng nguồn sông Phan – một vùng rừng nguyên sinh với địa hình bằng phẳng, kín đáo, thuận lợi cho việc bố trí lực lượng cách mạng trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Đây là nơi không chỉ có Tỉnh ủy đứng chân mà còn tập trung nhiều cơ quan trọng yếu như Tỉnh đội, Ban Kinh tài, Ban Dân y, Hậu cần, Trường Quân chính, Ban Hành lang… tạo thành một hệ thống liên hoàn, gắn bó chặt chẽ trong một bán kính từ 1 – 2 km. Chính tại nơi đây, vào tháng 8/1969, Đại hội thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Bình Tuy lần thứ I được tổ chức – một dấu mốc chính trị có ý nghĩa lớn, thể hiện sự trưởng thành, vững mạnh của tổ chức cách mạng tại địa phương.
Thời gian Tỉnh ủy Bình Tuy hoạt động tại căn cứ này kéo dài từ tháng 8/1968 đến tháng 11/1969. Dù chỉ hơn một năm, nhưng nơi đây đã chứng kiến biết bao cuộc họp quan trọng, những cuộc thảo luận sôi nổi để đề ra chủ trương, kế hoạch chỉ đạo kháng chiến. Căn cứ không chỉ là nơi làm việc, sinh sống của cán bộ mà còn là trung tâm đoàn kết lực lượng, huy động sức dân, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng tỉnh Bình Tuy nói riêng và miền Nam nói chung.
Nơi đây hiện vẫn còn dấu tích của hầm chiến đấu.
Giá trị truyền thống và thông điệp gửi đến thế hệ hôm nay
Căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy không chỉ mang giá trị lịch sử thuần túy, mà còn là nơi hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến: Dũng cảm, kiên cường, sáng tạo và một lòng vì sự nghiệp độc lập dân tộc. Trong những điều kiện hết sức gian khổ – thiếu thốn lương thực, thuốc men, phương tiện chiến đấu – nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn bám trụ kiên cường, bám dân, xây dựng phong trào, đánh địch và bảo vệ căn cứ. Chính tinh thần đó đã tạo nên sức mạnh to lớn, giúp cách mạng vượt qua muôn vàn thử thách để đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Sau ngày giải phóng, tỉnh Bình Tuy được sáp nhập trở lại với tỉnh Bình Thuận theo chủ trương của Trung ương, thống nhất thành một tỉnh như ngày nay. Tuy nhiên, những dấu ấn lịch sử mà Tỉnh ủy Bình Tuy để lại vẫn còn nguyên giá trị. Nhận thức rõ điều này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã và đang triển khai xác định vị trí đặt bia tưởng niệm di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy trong kháng chiến chống Mỹ tại chính địa điểm căn cứ xưa – khu vực Sông Phan. Đây không chỉ là sự tri ân đối với thế hệ đi trước, mà còn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Hiện nay, vị trí Căn cứ Sông Phan nằm cách quốc lộ 55 khoảng 300 m. Nơi đây có giao thông thuận lợi nối liền trung tâm huyện lỵ Tánh Linh với quốc lộ 1A, là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Khu di tích lịch sử kháng chiến cũng như phát triển du lịch trong tương lai.
Việc xây dựng khu di tích không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị giáo dục sâu sắc. Đó sẽ là nơi tổ chức các hoạt động về nguồn, là điểm đến học tập thực tế cho học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên, để họ hiểu rằng, độc lập – tự do của ngày hôm nay là thành quả của biết bao máu xương, công sức của lớp lớp cha anh đi trước.
NGUYỄN LUÂN
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/can-cu-tinh-uy-binh-tuy-dau-an-lich-su-trong-khang-chien-chong-de-quoc-129411.html