Cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số các hợp tác xã

Cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số các hợp tác xã
7 giờ trướcBài gốc
Thực tiễn chuyển đổi số kinh tế hợp tác xã và những yêu cầu thời đại
Theo thống kê, tính đến hết năm 2023, cả nước có trên 31 nghìn Hợp tác xã (HTX) với hơn 5,8 triệu thành viên; 137 liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác; thu nhập bình quân của một người lao động thường xuyên trong HTX là 59 triệu đồng/người/năm (tăng 136% so với năm 2013).
Trong nhiều năm qua, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) luôn được nhận định là thành phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của đất nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW), đã củng cố quan điểm về vị trí, vai trò và đóng góp của kinh tế tập thể là “Đóng góp về mặt kinh tế của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân là tỷ trọng đóng góp vào GDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên... Đóng góp về mặt xã hội của kinh tế tập thể là số lượng thành viên, số lượng việc làm, việc đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn” và “Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…
Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước sẽ có 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1,7 nghìn HTX thành viên, đảm bảo trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đến năm 2045, Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.
Yêu cầu về chuyển đổi số với khu vực kinh tế Hợp tác xã đang đặt ra nhiều thách thức mang tính thời đại. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, một thực tế là thời gian qua khu vực kinh tế tập thể của nước ta vẫn chưa phát triển được như các mục tiêu, kỳ vọng. Tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong GDP của cả nước đang có xu hướng giảm qua các năm (từ 8,06% năm 2021 xuống còn 6,65% trong năm 2005, tiếp tục tụt xuống 3,99% năm 2010 và 3,62% năm 2020). Năng lực sản xuất kinh doanh của hợp tác xã còn yếu, manh mún. Doanh thu bình quân của hợp tác xã năm 2023 chỉ đạt 3.536 triệu đồng/năm, chưa có nhiều hợp tác xã thực sự hiệu quả, có khả năng lan tỏa.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế của phát triển kinh tế hợp tác xã bắt nguồn từ việc chuyển đổi số còn chậm, thiếu tính chiến lược, hành động cụ thể so với các ngành khác. Chính vì vậy, ngày 3/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký chỉ thị số 19/CT-TTg về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác xã, hợp tác xã.
Chỉ thị một lần nữa nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tập thể, bao gồm các tổ chức kinh tế hợp tác xã, hợp tác xã đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây là khu vực luôn được Đảng, Nhà nước và các đối tác phát triển quan tâm, hỗ trợ. Đứng trước những thay đổi chung của nền kinh tế xã hội và xu thế chung của toàn cầu, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã buộc phải chủ động thực hiện chuyển đổi số, để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình phát triển mới.
Chỉ thị nêu rõ, chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã cần gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, huy động mọi nguồn lục, phát triển theo tinh thần bắt kịp, tiens cùng với các khu vực kinh tế khác.
Việc chuyển đổi số phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, hướng tới việc chuyển đổi mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh một cách linh hoạt, hiệu quả, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, đòi hỏi sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã, người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh việc triển khai các cơ chế đặc thù cho hợp tác xã, Chỉ thị cũng đặt ra các yêu cầu về triển khai số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về hợp tác xã nông nghiệp, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương.
Gắn hoạt động sản xuất kinh danh của HTX với đổi mối sáng tạo và chuyển đổi số
Tại diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra yêu cầu: “Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng…; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Thực tế, thời gian qua với sự nỗ lực tham gia chuyển đổi của các bộ ngành, địa phương trong cả nước, quá trình chuyển đổi số lĩnh vực kinh tế hợp tác xã đã từng bước gặt được những thành tựu ấn tượng. Nhiều mô hình chuyển đổi hợp tác xã thành công đang trở thành chuẩn mực cho các tổ chức hợp tác xã trong cả nước học tập, làm theo.
Đơn cử, tại Bình Phước, với việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại thực hiện chuyển đổi số như: Ứng dụng công nghệ 4.0, IoT trong sản xuất, tham gia các sàn TMĐT, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, số hóa các sản phẩm OCOP, tổ chức các phiên chợ không dùng tiền mặt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết nối các HTX với doanh nghiệp công nghệ… đến nay, tỉnh này đã hỗ trợ được 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đã có khoảng 28 hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa tổng số giao dịch trên sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiko… trên 1,1 triệu giao dịch, với số tiền giao dịch thành công ước đạt 236.744 tỷ đồng. Riêng Sàn giao dịch nông sản Bình Phước đã hỗ trợ được 99 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 390 sản phẩm tham gia chào bán trên sàn.
Tại Thanh Hóa, thông qua việc ứng dụng công nghệ số, nhiều hợp tác xã đã mở rộng được mạng lưới kinh doanh, kết nối quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao, từng bước cải thiện thu nhập, đời sống của các thành viên. Có khoảng 15% HTX nông nghiệp của Tỉnh áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng và bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng CNTT trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý. 10% HTX nông nghiệp bán các sản phẩm trên nền tảng TMĐT, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng, thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng báo Facebook, Googole… Các HTX phi nông nghiệp, tỷ lệ ứng dụng công nghệ số được áp dụng cao hơn, từ 50-60% trong các khâu sản xuất, kinh doanh.
Các thương hiệu đặc sản của HTX địa phương nhờ chuyển đổi số mà được lan tỏa nhiều hơn. DTX dịch vụ và sản xuất bánh lá Nga My 36, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) được biết đến nhiều hơn thông qua các sàn TMĐ nongsanthanhhoa, Postmart.vn. Hợp tác xã này còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok… Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ hàng tháng của HTX này đang đạt hơn 30.000 chiếc bánh/tháng, trong đó khoảng 10% được tiêu thụ qua nền tảng số.
HTX nông nghiệp Mai An Tiêm, xã Nga Thạch (Nga Sơn) ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất. (Ảnh: Báo Thanh hóa)
HTX nông nghiệp Mai An Tiêm, xã Nga Thạch (Nga Sơn, Thanh Hóa) cũng đã nghiên cứu lắp đặt thành công hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt theo công nghệ Israel, được điều khiển tự động thông qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh. Do đó, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có kết nối internet là có thể tưới, bón phân cho cây trồng. Bên cạnh đó, HTX cũng đẩy mạnh hoạt động quảng bá, livestream, bán sản phẩm trên nền tảng tiktok, facebook... và đưa các sản phẩm rau, củ, quả của HTX lên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT. Đến nay mỗi tháng, HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 30 đến 40 tấn rau quả các loại. Đặc biệt, nhờ ưu việt của chuyển đổi số, HTX đã kết nối được nhiều đại lý, đơn vị tiêu thụ tại TP Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên việc chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế HTX cũng đang từng bước thay đổi, mở ra được nhiều cơ hội để phát triển, không chỉ cho lĩnh vực nói riêng mà còn góp phần vào thúc đẩy nền kinh tế số, chuyển đổi số cả nước.
CTV Huệ Linh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/can-day-nhanh-toc-do-chuyen-doi-so-cac-hop-tac-xa-post1128982.vov