Nhận diện những khó khăn
Phát triển NƠXH phục vụ nhu cầu của người thu nhập thấp được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong suốt 15 năm qua, công tác phát triển NƠXH luôn là vấn đề đặt ra nhiều thách thức đối với cả cơ quan quản lý Nhà nước và phía DN đầu tư, bởi những bất cập, ảnh hưởng đến kết quả và mục tiêu phát triển.
Còn nhớ, Chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xây dựng được khoảng 12,5 triệu mét vuông NƠXH, nhưng thực tế chỉ hoàn thành được hơn 5,1 triệu mét vuông (bằng 41,4% kế hoạch). Tiếp đó, tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH giai đoạn 2021 - 2030, nhưng đến thời điểm hiện tại khi đã đi hết gần nửa quãng đường, cả nước mới chỉ hoàn thành 103 dự án, với khoảng 67.000 căn; khởi công xây dựng 140 dự án, quy mô khoảng 125.000 căn.
Như vậy, nếu giả định trong năm 2025 này toàn bộ 140 dự án đã khởi công xây dựng sẽ được hoàn thành, thì theo cách tính cơ học với 192.000 căn hộ, vẫn chưa thể hoàn thành được mục tiêu xây dựng 428.000 căn giai đoạn 2021 - 2025; và trong 5 năm còn lại từ 2026 - 2030 phải hoàn thành khoảng trên 800.000 căn hộ nữa là cả một lượng công việc khổng lồ, không muốn nói là “bất khả thi” nếu tình trạng trì trệ vẫn diễn ra như trong thời gian gần đây.
Nhà ở xã hội tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trong khi đó, nguồn vốn cho phát triển NƠXH với 120.000 tỷ đồng được bố trí tại 4 ngân hàng do Nhà nước chỉ định (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV). Đến nay đã có thêm 4 ngân hàng thương mại khác (TPbank, VPBank, MBBank và Techcombank) đăng ký tham gia, nâng tổng số vốn cam kết lên tới 140.000 tỷ đồng. Nhưng tính đến hết quý I/2025, doanh số giải ngân mới chỉ đạt trên 3.402 tỷ đồng, bằng 2,4%.
Còn theo báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã có thêm 414 dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 406.000 căn. Đồng thời, tổng diện tích đất bố trí cho phát triển NƠXH đạt khoảng trên 8.600ha (tăng thêm gần 3.000ha so với thời điểm năm 2020). Như vậy, với quỹ đất như trên không chỉ đủ sức để cung ứng đủ cho việc xây dựng 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030; mà còn bảo đảm để phục vụ công tác phát triển NƠXH cho những năm tiếp theo. Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là “cơ chế”.
Linh hoạt và thống nhất triển khai cơ chế
Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, công tác phát triển NƠXH thời gian quan đã bộc lộ rõ những hạn chế, gồm: quy hoạch và lựa chọn địa điểm chưa hợp lý, nhiều dự án NƠXH được xây dựng ở khu vực xa trung tâm, hạ tầng giao thông kém, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, đặc biệt là những người làm việc ở khu công nghiệp hoặc nội đô;
Thiếu liên kết hạ tầng giữa nơi ở và nơi làm việc, không có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả hỗ trợ; thủ tục hành chính rườm rà, thiếu sự đánh giá, giám sát từ phía cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm và DN không mặn mà tham gia đầu tư. Trong khi đó lại xảy ra tình trạng “lách luật” trong sử dụng NƠXH khi người không thuộc diện ưu tiên vẫn sở hữu nhà nhờ “quan hệ” hoặc gian lận hồ sơ...
Nhận diện những khó khăn, bất cập và với mong muốn tạo điều kiện để “mở đường” cho công tác phát triển NƠXH trong thời gian tới, cũng như để hoàn thành mục tiêu hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH đến năm 2030. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH, dự thảo đã được Bộ Xây dựng trình Quốc hội thông qua tại chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20/5 vừa qua.
Dự thảo đã đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH trên phạm vi cả nước, gồm: thành lập Quỹ phát triển NƠXH quốc gia; giao chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (với các trường hợp được quy định cụ thể); thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng; cơ chế, chính sách đối với DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê NƠXH cho người lao động để ở; lợi nhuận định mức tối đa mà chủ đầu tư được hưởng; và cơ chế, chính sách sử dụng ngân sách Nhà nước, nguồn vốn hợp pháp để thực hiện hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng để phát triển NƠXH.
Liên quan đến vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho biết, thời gian qua công tác phát triển NƠXH gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, từ việc chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận; cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và thực thi; nguồn vốn, giới hạn về lợi nhuận của chủ đầu tư; đến vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê NƠXH... trong khi nhiều DN lớn rất muốn tham gia và đã có những cam kết với Nhà nước để đầu tư xây dựng.
“Tôi cho rằng, những nội dung được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết sẽ mang lại những tác động tích cực cho công tác phát triển NƠXH trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm thị trường BĐS đang phục hồi tích cực như hiện nay. Trong đó, đặc biệt chú ý đến nội dung thành lập Quỹ phát triển NƠXH quốc gia, như vậy các dự án sẽ có nguồn “vốn mồi” từ ngân sách Nhà nước, khắc phục được tình trạng khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng như hiện nay. Qua đó sẽ góp phần quan trọng vào việc hạ lãi suất cho vay NƠXH như Singapore và Hàn Quốc đã làm” - TS Cấn Văn Lực đánh giá.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thực hiện cơ chế thí điểm cần phải có sự linh hoạt, thống nhất trong quá trình triển khai từ T.Ư xuống địa phương, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, trên thế giới rất nhiều nước phát triển đã áp dụng mô hình phát triển NƠXH cho thuê thay vì để bán, nếu Việt Nam thực hiện theo mô hình này sẽ giải quyết được rất nhiều bất cập tồn tại liên quan đến việc giải quyết trình tự thủ tục cho đối tượng ưu tiên về NƠXH, tránh tình trạng “trục lợi chính sách”.
“Chúng ta cần nhận thức rõ quan điểm phát triển NƠXH là câu chuyện dài hạn, trong 5 - 10 năm hoặc dài hơn nữa. Vì vậy, câu chuyện lúc này là phải tính đến bài toán dài hơi trong công tác lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển NƠXH; muốn phát triển NƠXH thì phải quan tâm đến vấn đề về hạ tầng kết nối. Chính quyền địa phương là những người nắm rõ nhất thực trạng, cũng như khó khăn, vướng mắc của mình, để từ đó cần chủ động rà soát, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể để công tác phát triển NƠXH đơn giản, khả thi hơn” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Tôi rất ủng hộ cơ chế thí điểm để tạo điều kiện cho phát triển NƠXH được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Trong đó, chủ trương thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ không chỉ tạo điều tiết thị trường BĐS, ổn định giá cả, mà còn tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở giá rẻ góp phần ổn định đời sống, giảm áp lực về chi phí thuê nhà hoặc di chuyển xa nơi làm việc. Đồng thời, điều này góp phần quy hoạch lại không gian đô thị, giúp đô thị phát triển đồng đều, có kiểm soát và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhưng quan trọng hơn, đây là cơ hội để đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi, từ đó đưa ra điều chỉnh phù hợp thực tế.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp
Doãn Thành