Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại tổ. Ảnh: PT
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), trong 2 năm 2025 - 2026, nên chấp nhận tăng trưởng nóng, đặc biệt là qua bất động sản.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Đánh giá cao kết quả tăng trưởng, thu ngân sách từ đầu năm đến nay, tán thành các giải pháp đã được Thủ tướng báo cáo Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp, các đại biểu cũng góp thêm nhiều ý kiến để góp phần đưa mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay về đích.
Góp ý về giải pháp, đại biểu Hoàng Văn Cường nói ông rất đồng tình phải đẩy mạnh đầu tư công, nhưng giải ngân được 100% (mục tiêu được Thủ tướng nêu tại báo cáo trong phiên khai mạc Kỳ họp - PV) thì “rất thần kỳ”. Theo ông Cường, muốn tăng tỷ lệ giải ngân, bên cạnh các dự án đầu tư công, nên khuyến khích sang đầu tư khu vực tư nhân, đây là chiến lược góp phần tăng trưởng nhanh.
Vị đại biểu Hà Nội phân tích, về nguyên tắc, tăng trưởng kinh tế bằng vốn và lao động, khu vực nào hút tiền càng nhiều, tăng trưởng sẽ nhanh. Các khu vực sản xuất mà để tăng vốn nhiều thì là bất động sản, được nguồn vốn đổ vào nhiều là tăng trưởng rất nhanh.
“Trung Quốc thời kỳ tăng trưởng hai, ba con số đều do bất động sản. Vậy trong giai đoạn này, ta có nên chấp nhận cho tăng trưởng nóng hay không, tôi cho rằng, trong năm 2025 - 2026, nên chấp nhận tăng trưởng nóng, đặc biệt là thông qua bất động sản”, ông Cường nêu quan điểm.
Vị đại biểu Hà Nội nhìn nhận, thị trường bất động sản đang bị thiếu cung, dẫn đến giá tăng cao, Giá tăng là phục vụ nguồn cung chứ không phải bong bóng. Nếu nới rộng cho phát triển bất động sản sẽ giúp cho mở rộng nguồn cung, không sợ tăng trưởng nóng sẽ gây ra tình trạng dư thừa, tồn kho bất động sản như Trung Quốc, ông Cường nhận định và cho rằng, “cần khuyến khích tăng trưởng bất động sản”.
Tại Kỳ họp này, Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc; giao Chính phủ tổ chức, hướng dẫn và quyết định việc áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo Nghị quyết 170/2024/QH15.
Ủng hộ đề xuất này, đại biểu Cường dẫn thống kê của Bộ Tài chính cho thấy có 2.200 dự án đang triển khai dở dang, bị dừng do vướng mắc pháp luật, tổng số vốn đầu tư của các dự án này là 5,9 triệu tỷ đồng.
“Tiền đang bị chôn ở các dự án này”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông, các dự án này đang có khó khăn tương tự các dự án vướng mắc mà Nghị quyết 170 2024/QH15 cho phép tháo gỡ ở TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng.
“Tôi đề nghị nên cho nhân rộng áp dụng cơ chế đã được xử lý như Nghị quyết 170 cho dự án khác trong toàn quốc để giải phóng toàn bộ nguồn lực. Đây sẽ là yếu tố đóng góp tăng trưởng rất lớn trong giai đoạn này”, ông Cường nói.
Vẫn theo đại biểu Cường, nếu tập trung đầu tư cho nhà ở xã hội sẽ tạo ra tăng trưởng thực sự bền vững, chứ không phải tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn.
Ông kể, khi trao đổi với một tập đoàn lớn về bất động sản thì họ nói không đầu tư nhà ở xã hội vì không đủ điều kiện vay vốn. Nguyên nhân là điều kiện về dư nợ vốn của các doanh nghiệp lớn không đảm bảo để có thể vay triển khai dự án nhà ở xã hội.
Vì thế, ông Cường đề nghị việc huy động vốn cho nhà ở xã hội thì không nên tính cân đối chung của doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Ở tổ thảo luận TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cũng cho rằng, cần nhanh chóng giải phóng các khu đất vàng bị “đóng băng”. Cụ thể là cần tháo gỡ các dự án vướng mắc, đẩy nhanh thu hồi tài sản từ các vụ án đã đưa ra xét xử rồi, giá trị rất lớn, mà để tồn đọng nhiều năm là lãng phí rất lớn. cần nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện.
“Dường như các cơ quan vẫn ngần ngại, không đề xuất phương án giải quyết. Tôi thấy có vụ 2-3 năm qua có án rồi vẫn án binh bất động. Án tuyên chưa rõ thì yêu cầu tòa giải thích hoặc họp liên ngành giải quyết, chứ cứ để những khu đất vàng nằm đó rất đáng tiếc”, ông Sang nói.
Nguyễn Lê