Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực phát triển
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược gia tăng, đặc biệt, việc áp dụng thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với nước ta đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định và phát triển: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 đạt 7,09%; Quý I/2025 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 6,93%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước vượt hơn 2 triệu tỷ đồng, cao hơn so với dự toán. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra tích cực. Tuy nhiên cần phân tích cơ cấu thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh và thu từ cấp quyền sử dụng đất là bao nhiêu để đánh giá tính bền vững của thu ngân sách.
Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế lớn đều có dấu hiệu tích cực, chỉ số xuất nhập khẩu năm 2024 tiếp tục là điểm sáng nổi bật, thặng dư thương mại cả năm đạt gần 25 tỷ USD, xuất khẩu và nhập khẩu cũng tăng, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ 8,4%. Đây là chỉ số rất quan trọng chứng minh sự điều hành hiệu quả của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 đạt 3,63% là rất tốt, tạo mở thêm dư địa cho tăng trưởng, song, cảm nhận của xã hội về giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn còn khoảng cách lớn, tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả của các chính sách vĩ mô. Vấn đề này cần phải làm rõ để phản ánh dư luận xã hội. Bởi người dân rất quan tâm với mức thu nhập thực tế sẽ mua được bao nhiêu mặt hàng thiết yếu. Liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, các cấp chính quyền cần phải tăng cường kiểm soát chặt vấn đề này cũng như giá cả các mặt hàng để bảo đảm ổn định chỉ số CPI.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sớm có quy định sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và xử lý vấn đề cung cầu vàng trên thị trường để giá vàng không biến động như thời gian qua. Mặt khác, hiện nay, thị trường bất động sản đang diễn biến bất thường, giá nhà ở cao vượt quá khả năng chi trả của cán bộ, công chức và người lao động. Dù Quốc hội đã giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở nhưng hiệu quả triển khai chưa rõ ràng. Do đó, Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết những bài toán, ổn định tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới.
“Tinh thần chung là tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cần làm bài bản, minh bạch, hiệu quả. Nếu không cẩn trọng, có thể tháo gỡ được một vướng mắc nhưng lại tạo ra cái khác”, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, thích ứng linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc đề ra nhiều chính sách tăng trưởng đột phá giúp tốc độ tăng trưởng của Quý I/2025 ở mức cao nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, sự tăng trưởng này nhìn chung không đồng đều ở nhiều lĩnh vực và xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức.
ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phân tích, dù tăng trưởng cao nhưng tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2024 vẫn còn thấp hơn; tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn qua số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng tham gia thị trường rất cao. Nhiều dự án có vốn lớn, tác động lan tỏa nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, huy động nguồn lực còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, qua biến động của thị trường toàn cầu, Hoa Kỳ áp thuế đối ứng rất cao đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam… Đây là những khó khăn không chỉ riêng trong Quý I/2025 mà còn là những khó khăn kéo dài qua nhiều năm.
ĐBQH Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Từ những thách thức nêu trên, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Quốc hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tập trung tháo gỡ để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, đối với các Nghị quyết của Quốc hội áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù cho các địa phương, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng nguyên trạng các chính sách đặc thù đối với các địa phương đã có chính sách. Còn đối với các địa phương chưa có chính sách, đề nghị Quốc hội, Chính phủ mạnh dạn cho các địa phương cũng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt mà 10 tỉnh, thành đã áp dụng trong thời gian qua nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng 2 con số, qua đó tạo nền tảng tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên.
Khuyến khích hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nước
Theo ĐBQH Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh), thời gian qua, chúng ta đã gặp nhiều rào cản trong phát triển kinh tế, trong đó có chính sách thuế đối ứng của Mỹ đã tác động rất nhiều vào phát triển kinh tế, đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, để phát triển kinh tế phải khuyến khích hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nước, đây cũng là giải pháp quan trọng để tăng trưởng trong thời gian ngắn hạn.
ĐBQH Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
“Thời gian tới, chúng ta cần mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, tránh việc lệ thuộc vào các thị trường. Đây là yếu tố mang tính quyết định để duy trì bài toán xuất khẩu”, đại biểu Phạm Đức Ấn đề xuất.
ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, xuất khẩu hàng hóa là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng nhưng thực tế đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề xuất nhập khẩu. Nếu không có giải pháp quyết liệt xử lý việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản xuất kinh doanh tiêu thụ trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu theo chỉ tiêu của Chính phủ đặt ra.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Đức Ấn cũng cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là quan trọng nhưng việc đánh giá, thống kê xem tiết kiệm những gì, theo tiêu chí nào lại rất khó. Do vậy cần xem xét xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể vấn đề này cho thống nhất cho các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
“Mặc dù vẫn phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng nhiều việc cần chi mà tiết kiệm thì sẽ lựa chọn sản phẩm thấp, thời gian sử dụng kém hiệu quả, không phát huy được công năng gây lãng phí. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong việc giảm thiểu trình tự thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Đây cũng là cách chống lãng phí hiệu quả”, đại biểu chia sẻ thêm.
Trần Tâm