Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực vượt khó, năm 2024, tỉnh Hòa Bình ước có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 7.310 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các đại biểu, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII xác định, đến năm 2025 thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 10.000 tỷ đồng. Do vậy, UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn đạt được chỉ tiêu về thu ngân sách mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đã đề ra. Bên cạnh đó có giải pháp để chống thất thu và nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc bán hàng online. Cùng với đó, cần thu hút thêm các nhà đầu tư lớn, lấp đầy các khu công nghiệp để có nguồn thu bền vững.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồng Duyên
Giải trình về các nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân sách, tài chính, xử lý, thanh lý tài sản công và một số dự thảo nghị quyết liên quan đến lĩnh vực tham mưu giúp UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Danh khẳng định: năm 2024, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch. Chi ngân sách được bảo đảm theo quy định, đặc biệt, trong năm, tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ Nhân dân ảnh hưởng bão lũ. Hiện, tỉnh đang tập trung các giải pháp triển khai công tác thu - chi ngân sách, trong đó, tập trung xử lý nợ thuế ở một số doanh nghiệp, dự án lớn.
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công so với trung bình chung của cả nước đã có nhiều chuyển biến, nằm trong top những tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, tuy nhiên, theo các đại biểu, so với mục tiêu đặt ra chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Bởi, thực chất đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn phục hồi còn thấp (đạt 12%), trong khi đó đến ngày 30.12.2024 là kết thúc nguồn vốn phục hồi. Đại biểu Lưu Xuân Trường (huyện Cao Phong) đề nghị, UBND tỉnh có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Một số đại biểu cũng cho rằng, nguyên nhân công tác giải ngân đạt thấp do gặp khó khăn về quy trình thực hiện, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng khó khăn về đơn giá đền bù (đất ở, đất rừng)… Do vậy, cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan (Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh) sớm có giải pháp đền bù, giải phóng mặt bằng.
Một số đại biểu cũng phản ánh, hiện nay, các dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang triển khai thực hiện mới đạt khoảng 15% trên tổng số các dự án đã được phê duyệt. Do đó, UBND tỉnh cần rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ. Đối với những dự án chậm triển khai, chậm tiến độ cần có giải pháp quyết liệt tránh tình trạng nhà đầu tư giữ đất để bán... Liên quan đến vấn đề xử lý các dự án đã cấp chủ trương đầu tư nhưng không hoạt động, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Điệp cho rằng, nguyên nhân nhiều dự án chậm tiến độ là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư năng lực yếu…
Có giải pháp thu hút giáo viên tại các trường công lập
Thảo luận về Nghị quyết quyết định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hòa Bình năm 2025, nhiều đại biểu cho rằng, UBND tỉnh cần nghiên cứu để dừng việc bổ sung biên chế đối với Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Giao thông Vận tải, bảo đảm thực hiện theo chủ trương của Trung ương về sáp nhập, tinh gọn bộ máy hiện nay. Đồng thời, đề nghị xem xét việc tăng chỉ tiêu biên chế công chức và số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại một số sở, ngành có lộ trình sáp nhập theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban chấp hành Trung ương để dành chỉ tiêu cho các ngành khác có nhu cầu cần chỉ tiêu tuyển dụng.
Các đại biểu cũng phản ánh, hiện nay tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh; việc tuyển giáo viên tại các trường trên địa bàn huyện Kim Bôi gặp rất nhiều khó khăn (không có giáo viên để tuyển dụng). Để đáp ứng về số lượng giáo viên theo quy định, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có giải pháp thu hút giáo viên (nhất là giáo viên Tiếng Anh) về công tác tại các trường công lập. Đồng thời, UBND tỉnh nên chỉ đạo các đơn vị liên quan sau khi có kết quả thi tuyển giáo viên cần sớm ban hành quyết định kết quả trúng tuyển để các trường có cơ sở triển khai thực hiện.
Giải trình làm rõ thêm về tình trạng thiếu biên chế ngành giáo dục và nghị quyết biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hòa Bình năm 2025, Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Mai Sơn khẳng định: hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp, bậc học, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh. Liên quan đến việc giao biên chế năm 2025, UBND tỉnh đã có tờ trình báo cáo HĐND tỉnh. Theo đó, đã có chỉ tiêu cụ thể của các đơn vị, nhưng hiện nay đã điều chỉnh để phù hợp với chủ trương sắp xếp, sáp nhập theo chủ trương mới.