5 sản phẩm công nghệ số của Việt Nam xếp hạng top đầu thế giới
Ước tính, năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019.
Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019. Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019. Toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Ước tính, năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: (1) Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; (2) Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; (3) Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; (4) Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; (5) Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Dự thảo Luật do Bộ thông tin và truyền thông là cơ quan chủ trì soạn thảo gồm 8 Chương, 73 Điều, bao hàm các nội dung cần thiết để phát triển toàn diện ngành công nghiệp công nghệ số.
Cụ thể như: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số, Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số toàn diện, Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Để khai thác tiềm năng, phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS) nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Luật CNCNS hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ngày 30/11 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Công nghệ số là lực lượng sản xuất mới thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại…
Đa số các đại biểu đều cơ bản thống nhất với việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số.
Trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn TP.HCM) cho rằng, nền tảng số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… là hết sức quan trọng.
Theo đại biểu, việc ban hành dự án Luật sẽ góp phần tạo cơ hội để chuyển đổi số, các công nghệ liên quan đến dữ liệu số phát triển, góp phần tạo ra các động lực tăng trưởng mới theo đúng với tinh thần nghị quyết của Trung ương đang hướng tới.
Nhấn mạnh dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là một dự án Luật quan trọng để phát triển kinh tế số, phù hợp với xu thế chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 của đất nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, dự thảo Luật cần xây dựng được các chính sách nhằm giúp ngành công nghiệp công nghệ số phát triển tăng tốc và bền vững, đặc biệt là các chính sách liên quan đến tài chính, ưu đãi về thuế, nguồn nhân lực, hạ tầng dữ liệu…
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật có liên quan, nâng cao tính quy phạm của các chế định trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.
Điểm mới trong Luật Công nghiệp công nghệ số
Đáng chú ý, trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn được xác định là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn.
Dự thảo Luật quy định Chương "Công nghiệp bán dẫn" thay cho "vi mạch bán dẫn" nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.
Trong dự thảo, Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ.
Dự thảo luật cũng xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Luật dự thảo nguyên tắc quản lý và phát triển AI. AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Cơ chế thử nghiệm là việc cho phép thử có kiểm soát với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Nguyên tắc thử nghiệm là tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành ngoại trừ các nội dung được cho phép thực hiện thử nghiệm.
Thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới có rủi ro thấp đối với người sử dụng và thị trường; có tính đổi mới, mang lại giá trị mới; có khả năng mở rộng sau khi thử nghiệm.
Bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, bình đẳng; giám sát chặt chẽ, thường xuyên (tăng cường chuyển đổi số, giám sát online); có cơ chế quản lý dữ liệu thử nghiệm.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo an ninh và bảo mật dữ liệu cá nhân; kết quả thử nghiệm là cơ sở để xem xét, quyết định đưa vào ứng dụng chính thức và hoàn thiện pháp lý.
Cần những chính sách ưu đãi vượt trội
Để phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đề xuất một số chính sách ưu đãi như Quy định ưu đãi đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số: ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao…
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.
Song song với việc đưa các quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đang chủ trì sửa đổi các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư… để bảo đảm có chính sách ưu đãi cao nhất, trọng tâm, trọng điểm đối với những dự án có tính chất, quy mô đặc biệt, không dàn trải cho ngành công nghiệp công nghệ số bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.
Trang Trần