Quy hoạch tối đa 8 bến cảng
Theo quy hoạch, cảng biển Trà Vinh bao gồm các khu bến: Duyên Hải - Định An, Trà Cú - Kim Sơn, các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Trà Vinh thông qua lượng hàng hóa từ 12,9 - 15,2 triệu tấn. Khu vực có tổng số 8 bến cảng, gồm 17 cầu cảng với tổng chiều dài 3.991m (chưa bao gồm bến cảng khác).
Cảng biển Trà Vinh được quy hoạch tổng số 8 bến cảng để đáp ứng lượng hàng hóa thông qua tới 15,2 triệu tấn. Ảnh: Văn Châu.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển đáp ứng cho lượng hàng hóa có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5,5%/năm đến 6,1%/năm. Giai đoạn này, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 461ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 150.149ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 4.654 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 2.666 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 1.988 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Quy hoạch xác định các dự án ưu tiên đầu tư như đầu tư hoàn thiện kè bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố bao gồm kè chỉnh trị; đầu tư các kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như: khu neo chờ, tránh trú bão, hệ thống giám sát và điều phối hàng hải (VTS).
Ưu tiên phát triển cảng xanh, xã hội hóa đầu tư
Để thực hiện quy hoạch, nhiều giải pháp được đề xuất từ cơ chế chính xác, phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp về hợp tác quốc tế, khoa học và môi trường…
Trong đó, khuyến khích đầu tư đồng thời khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạ tầng cảng biển (bến cảng, luồng tàu, đê, kè chắn sóng...) để nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu.
Đặc biệt, nghiên cứu, ứng dụng và chuẩn hóa điều kiện khai thác lớp bùn loãng trên tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, tuyến luồng vào Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, góp phần đưa tàu có mớn nước lớn hơn hành trình trên luồng nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án.
Một trong những giải pháp thực hiện là tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch, thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách.
Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp là khuyến khích nhà đầu tư khai thác cảng ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển. Đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu đáp ứng các tiêu chí cảng xanh, cảng biển thông minh.
Ngoài ra, xây dựng các cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp cảng xanh, cảng biển thông minh, đồng thời nghiên cứu đưa tiêu chí cảng xanh là một trong các tiêu chí để cấp có thẩm quyền xem xét lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư cảng biển.
Hoàng Anh