Hà Nội siết chặt quản lý bến bãi ven sông

Hà Nội siết chặt quản lý bến bãi ven sông
6 giờ trướcBài gốc
Trước thực trạng đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước lập lại trật tự, bảo vệ đê điều, bảo vệ môi trường khu vực ven sông.
Điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại phường Thượng Cát. Ảnh: Nguyễn Trọng
Hệ lụy đáng lo ngại
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có 194 điểm tập kết, trung chuyển vật liệu ven sông. Trong đó, có 108 điểm đang hoạt động và 86 điểm tạm dừng; nhiều điểm đang hoạt động dù trong mùa mưa bão. Đa số bến bãi này chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép đê điều. Trước đó, tại một số xã: Mai Lâm (nay thuộc xã Đông Anh), Duyên Thái (nay thuộc xã Hồng Vân) có vài bến bãi không tuân thủ quy định, chưa đủ giấy tờ liên quan đến đê điều… Thực trạng này cũng diễn ra ở một số địa phương ven sông Hồng, sông Đuống.
Trước những vi phạm trên, thành phố chỉ đạo các địa phương siết chặt quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố phát hiện và lập hồ sơ xử lý hành chính 31 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Trong số đó có 27 vụ xảy ra tại các khu vực bãi sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu. Các hành vi vi phạm chủ yếu là đổ chất thải, tập kết vật liệu xây dựng, san gạt mặt bằng và xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều.
Về thực trạng này, một số lãnh đạo các địa phương thừa nhận, chính quyền chưa quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng; chưa kịp thời ngăn chặn, quyết liệt xử lý, giải tỏa vi phạm đê điều... Nhiều công trình vi phạm có nguồn gốc đất thổ cư, người dân sinh sống lâu đời nên gặp khó khăn trong ngăn chặn, xử lý. Hơn nữa, người vi phạm thường lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ để hoạt động trong khi quy định pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là thẩm quyền xử lý vi phạm, xác định hành vi vi phạm...
Trong các hoạt động giám sát thực tế, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Tuân cho rằng, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng trái phép ngoài đê đang gây bức xúc, ảnh hưởng an toàn đê điều. Tuy nhiên, gần đây có chuyển biến rõ rệt, nhất là trong khâu kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm.
Tăng cường quản lý
Để tăng cường hiệu quả quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành phố yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất ven sông, phù hợp định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030-2050, đặc biệt là các bến bãi tập kết vật liệu.
Theo đó, nhiều địa phương đã chủ động trong công tác quản lý đất ven sông, kéo giảm vi phạm về bến bãi, điểm tập kết vật liệu xây dựng. Đơn cử, huyện Đông Anh (cũ) đã xây dựng đề án quản lý, khai thác, sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất nông nghiệp công ngoài công ích, đất bãi bồi ven sông trên địa bàn huyện năm 2023 và những năm tiếp theo. Địa phương này cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, theo đó từ đầu năm đến nay, kiểm tra và xử lý 3 trường hợp, trong đó xử phạt 2 trường hợp vi phạm với số tiền 60 triệu đồng; cưỡng chế 1 trường hợp; tổ chức lực lượng đình chỉ hoạt động các bãi tập kết trung chuyển tại một xã.
Với sự vào cuộc của các địa phương, thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các đơn vị đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn đê điều, bến bãi. Trong các cuộc họp trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, các địa phương kiên quyết xử lý vi phạm mới phát sinh, vi phạm tồn đọng, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận...
Mới đây, ngày 15-5-2025, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2434/QĐ‑UBND phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024. Kế hoạch này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân, bảo đảm thi hành thống nhất quy định của Luật từ ngày 1-7-2025. Mặc dù tập trung vào công tác thăm dò, quản lý khai thác khoáng sản, song khi việc khai thác được quản lý chặt thì tình trạng bến bãi cũng được kiểm soát theo quy định. Sau khi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm sẽ được tăng cường.
Với sự vào cuộc quyết liệt, Hà Nội đang từng bước "làm sạch" hoạt động bến bãi vật liệu ven sông, giải quyết tồn đọng vi phạm pháp luật đê điều, đất ngoài đê. Cùng với việc triển khai đồng bộ Luật Địa chất - Khoáng sản năm 2024, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm hành chính, tăng cường vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương 2 cấp, chắc chắn tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này sẽ từng bước bị đẩy lùi...
Đỗ Phong
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ha-noi-siet-chat-quan-ly-ben-bai-ven-song-707865.html