Cần khắc phục kịp thời

Cần khắc phục kịp thời
4 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện những clip ghi lại hình ảnh đèn tín hiệu giao thông luôn chập chờn, khiến người tham gia giao thông "tiến thoái lưỡng nan". Thế nên, nhiều người lo ngại về tính chuẩn xác của công tác xử phạt, cũng như nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức áp dụng được nhiều người dân quan tâm. Đáng chú ý trong đó là mức phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) tăng lên gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị trừ điểm trên giấy phép lái xe. Vậy nhưng, đèn tín hiệu giao thông ở nhiều nơi - công cụ được coi là để xác định vi phạm của người tham gia giao thông, vẫn... nhấp nháy báo lỗi.
Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng, các địa phương đã có những giải pháp quản lý đèn tín hiệu giao thông, khắc phục những hỏng hóc, lỗi tín hiệu xảy ra. Nhưng về lâu dài, cần nghiên cứu để có sự đầu tư bài bản, bảo đảm chất lượng hệ thống đèn. Có ý kiến cho rằng, công tác vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông cần được chuyển giao cho một đầu mối quản lý, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi xảy ra các sự cố liên quan. Bên cạnh đó, cần có cuộc kiểm tra, rà soát tổng thể hệ thống đèn tín hiệu giao thông để có cơ sở kiến nghị thay thế, sửa chữa những cụm đèn hư hỏng. Trong quá trình vận hành, cơ quan chức năng cũng cần điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp từng địa bàn, đảm bảo cho giao thông thông suốt, công tác xử lý vi phạm chính xác.
Hiện nay, lực lượng CSGT có nhiệm vụ vận hành, khai thác, sử dụng, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông phục vụ việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Còn cơ sở vật chất, hạ tầng hệ thống đèn tín hiệu giao thông, công tác quản lý, bảo trì, duy tu, chia sẻ dữ liệu hệ thống đèn tín hiệu giao thông nằm trong tay các đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT... Như vậy, lực lượng CSGT cũng phải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động của đèn tín hiệu giao thông để đề xuất cấp có thẩm quyền bảo dưỡng, thay thế kịp thời khi lỗi xảy ra; từ đó tránh sai sót trong quá trình xử phạt. Trường hợp xử phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách hệ thống đèn tín hiệu phối hợp với CSGT làm nhiệm vụ tại chốt thông báo vi phạm để có hiệu lệnh dừng xe, xử lý; hình ảnh, clip của người vi phạm từ trung tâm cũng được gửi tới lực lượng tại chốt để thông báo cho người vi phạm...
Tại các TP lớn trên thế giới đã áp dụng công nghệ điều khiển thông minh, kết hợp cảm biến và hệ thống phân tích dữ liệu để điều tiết giao thông một cách linh hoạt và hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tối ưu hóa việc điều khiển giao thông mà còn tự động phát hiện ra các lỗi kỹ thuật, giúp các cơ quan chức năng phản ứng nhanh chóng.
Vậy nên, khi xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng nên có cơ chế xem xét trên thực tế, dựa vào các bằng chứng thu nhận được từ hệ thống giám sát, camera giao thông để bảo đảm người vi phạm thực sự đáng bị xử lý. Với các biện pháp như vậy, sẽ không chỉ giải quyết được vấn đề lỗi đèn tín hiệu, mà còn góp phần xây dựng một giao thông an toàn, công bằng và văn minh.
Phạm Công - Vũ Khoa
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/can-khac-phuc-kip-thoi.html