Từ tháng 7/2026, thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ chính thức cấm xe máy sử dụng xăng dầu lưu thông trong khu vực vành đai 1. Đây là bước đi hướng tới giao thông xanh tại Thủ đô, nơi có 6,9 triệu xe máy đang hoạt động.
Để tập trung vào kế hoạch cấm xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 phù hợp với Chỉ thị của Thủ tướng, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội sẽ báo cáo UBND TP điều chỉnh vùng phát thải thấp (LEZ) đang thí điểm ở một số phường nội đô.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội sẽ đề xuất điều chỉnh thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại một số phường nội đô để tập trung toàn lực cho việc triển khai kế hoạch cấm xe máy sử dụng nhiên liệu xăng trong khu vực Vành đai 1, bắt đầu từ tháng 7/2026.
Theo đại diện Sở này, việc điều chỉnh thí điểm LEZ là cần thiết để phù hợp với quy mô và yêu cầu mới, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ trong thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát ô nhiễm không khí và giao thông đô thị. Hiện Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện, trong đó 1,1 triệu ôtô và khoảng 6,9 triệu xe máy. Riêng trong khu vực Vành đai 1 là trung tâm nội đô lịch sử của Thủ đô, số lượng xe máy lên tới 450.000, dân số trong khu vực này chỉ khoảng 600.000.
Phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu là một trong những nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí.
Trước đó, theo nghị quyết được HĐND TP Hà Nội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2025, về lộ trình thực hiện LEZ, từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Đáng chú ý, dự kiến trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội thực hiện hạn chế phương tiện giao thông như ôtô, xe máy chạy nhiên liệu xăng dầu lưu thông trong vùng LEZ.
Trong giai đoạn đầu, các biện pháp hạn chế phương tiện như ôtô trên 16 chỗ vào phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm đã được thực hiện từ ngày 1/3/2025. Tuy nhiên, khi có Chỉ thị 20 của Thủ tướng thì phạm vi, quy mô giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường không dừng ở khu vực phố cổ hay Hồ Hoàn Kiếm và 3 quận cũ là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa nữa, mà mở rộng ra cả vùng đô thị rộng lớn nằm trong phạm vi đường Vành đai 1 với chu vi lên đến 25km.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, kế hoạch mới sẽ mở rộng cấm xe máy chạy xăng từ khu vực bên trong đường Vành đai 1 vào năm 2026 và tiếp tục mở rộng đến khu vực bên trong Vành đai 2 vào năm 2028. Để việc này thực hiện tập trung, đồng bộ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và xác định lại các mục tiêu, phạm vi, kế hoạch để xây dựng vùng an toàn về môi trường, không ùn tắc giao thông mới.
Đại diện liên ngành Xây dựng - Công an cũng cho biết, từ thực tế đường Vành đai 1 hiện nay, khi xác định ranh giới, phạm vi để cấm xe máy xăng hoạt động trong phạm vi đường Vành đai 1, liên ngành xác định có khoảng 18 tuyến phố/đường được lấy làm ranh giới, bao gồm: Trần Khát Chân (từ ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân. Khi thực hiện vùng "xanh" không có xe máy xăng này, cùng với lực lượng Công an - Cảnh sát giao thông đứng làm nhiệm vụ ở các nút giao với đường vành đai 1, liên ngành cũng sẽ bố trí, lắp đặt hệ thống biển báo, biển hướng dẫn vùng hạn chế hoạt động của phương tiện giao thông, riêng xe máy chạy xăng sẽ có các biển cấm đi qua Vành đai 1. Với các xe vi phạm, sau thời gian tuyên truyền nhắc nhở, lực lượng liên ngành sẽ xử phạt với các lỗi đi vào đường cấm, đường không được phép đi vào.
Đánh giá về chất lượng không khí, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin: "Theo mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, trước đây thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chúng tôi đã quan trắc và theo dõi cho thấy, vào thời điểm năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 toàn cầu, chất lượng không khí có suy giảm ở tại một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Nhưng trong thời kỳ diễn ra đại dịch thì hầu như các hoạt động sản xuất, hoạt động của cá nhân, hoạt động đi lại, giao thông giảm thiểu, nên hai năm đó, chất lượng môi trường không khí ở các đô thị nói chung và đặc biệt tại Hà Nội là tốt. Nhưng sang năm 2023 và đặc biệt là năm 2024, khi mà nền kinh tế chúng ta phục hồi thì "đường cong" về ô nhiễm không khí tại một số TP lớn, trong đó có Hà Nội tăng lên".
Theo ông Thức, từ cuối năm 2024 có một đợt ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, trong đó Hà Nội đã kéo dài từ tháng 10 cho đến tháng 4 năm nay. Điều đó phản ánh nếu không kiểm soát tốt các hoạt động phát thải gây ô nhiễm thì sẽ làm suy giảm chất lượng không khí tại các đô thị. Các nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và của các chuyên gia cũng xác định, đối với lượng phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu, nhất là xe máy là một nguyên nhân tạo ra ô nhiễm không khí (chiếm khoảng 60%). Đặc biệt, đối với xe máy, có tới gần 70% là phương tiện cũ, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát khí thải hiện nay vẫn còn hạn chế.
Theo dữ liệu từ ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir, trong 2 ngày 14 và 15/7, Hà Nội liên tiếp đứng ở vị trí top 2 các TP ô nhiễm nhất thế giới. Việc Hà Nội thường xuyên đứng đầu danh sách các TP ô nhiễm cho thấy, vấn nạn ô nhiễm không khí ở Thủ đô đã ở mức báo động.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), ô nhiễm tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới đời sống, nhất là đô thị lớn như Hà Nội. Các tác nhân gây ô nhiễm gồm bụi PM2.5, gây tác động lên hệ hô hấp, ảnh hưởng nặng đến người đang mắc các bệnh hen, bệnh đường hô hấp khác. Ô nhiễm còn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, các lĩnh vực khác như đầu tư, giáo dục. Có những đợt ô nhiễm nặng nề, phải thông báo cho học sinh nghỉ học. Khi tiếp xúc ô nhiễm kéo dài thì bị suy giảm hệ miễn dịch và gây ra các bệnh nhiễm trùng, bệnh mãn tính và có thể tác động lên hệ thần kinh, gây viêm thần kinh…
Trúc Linh