TP.HCM kiểm soát khí thải: Đã có 120 tài xế xe máy xăng chuyển sang xe điện

TP.HCM kiểm soát khí thải: Đã có 120 tài xế xe máy xăng chuyển sang xe điện
một giờ trướcBài gốc
Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP.HCM đang là chủ đề được nhiều người quan tâm. Trong đó, Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) sẽ trình lên UBND TP.HCM dự thảo đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM” trong tuần này.
Để hiểu rõ hơn về nội dung của đề án, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn cùng ông Ngô Cự Mạnh - Nghiên cứu viên- công tác tại Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), nghiên cứu trực tiếp đề án này.
Sớm trình dự thảo để đưa đề án vào thực hiện
Ông Ngô Cự Mạnh - Nghiên cứu viên công tác tại Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM)
. Phóng viên: Thưa ông, ông có thể giới thiệu rõ hơn về đề án Kiểm soát khí thải tại TP.HCM và mục đích của đề án này?
+ Ông Ngô Cự Mạnh - Nghiên cứu viên Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM):
Đề án Kiểm soát khí thải do Sở GTVT TP.HCM (nay là Sở Xây dựng) chủ trì, giai đoạn thiết kế cấu trúc đề cương.
Đề án có sự phối hợp chặt chẽ cùng Viện nghiên cứu Phát triển TP, tại đó chúng tôi thống nhất quan điểm chuyển đổi phải có tính tập trung, thí điểm hiệu quả và phản hồi chính sách theo thực tế triển khai, từ đó nhân rộng.
Chúng tôi xem xét lựa chọn tập trung trên hai khía cạnh là đối tượng tác động lớn và địa bàn, đi kèm với lộ trình áp dụng chính sách khuyến khích như hỗ trợ chi phí, ưu đãi vay... sau đó tiến tới áp dụng các biện pháp hạn chế. Ví dụ như về đối tượng tác động chính sách thì phải tập trung các nhóm xả thải nhiều nhất, viện và Sở Xây dựng chọn xe công nghệ, taxi và buýt.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP dự kiến trình UBND TP.HCM vào thời gian sắp tới (trước 18-7). Ảnh: HOÀNG GIANG
Về đề án ""Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM" đã có thí điểm thành công cho 120 xe do Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu niên khởi nghiệp (trực thuộc Thành đoàn TP.HCM) thực hiện. Tổng số xe cần chuyển đổi là khoảng 400.000.
Hiện nay, viện đã có dự thảo cuối cùng, dự kiến trình UBND TP.HCM trước 18-7 để UBND TP chỉ đạo, lấy ý kiến các sở ngành liên quan, hoàn thiện đề xuất chính sách.
Về hiệu quả và tính khả thi, TP.HCM và Hà Nội đều chọn phương án chuyển đổi nhanh đội xe buýt điện vì đây là đối tượng chính quyền dễ triển khai chính sách nhất. Chính quyền cung cấp hạ tầng bến bãi, trợ giá vận hành. Riêng TP.HCM, hiện nay đã chuyển đổi được hơn 31% đội xe buýt điện.
Về địa bàn, Sở Xây dựng và viện đã đề xuất vùng phát thải thấp là Cần Giờ và Côn Đảo. Đây là các địa bàn cô lập về giao thông, dễ áp dụng chính sách nên làm trước. Viện và các chuyên gia đã góp ý và Sở Xây dựng đang tổng hợp hoàn thiện dự thảo cuối cùng để trình TP.
. Khi đề án được áp dụng, liệu nó có tác động gì đến đời sống, môi trường, kinh tế của người dân không?
+ Tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể về đề án “"Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM”. Đây là đề án có mục tiêu cụ thể và chính xác nhất.
Cụ thể về môi trường, đây là nhóm phương tiện có tần suất hoạt động cao nhất (di chuyển trung bình 80–120 km/ngày). Do đó lượng phát thải khí nhà kính và bụi mịn từ nhóm này rất lớn. Việc chuyển đổi giúp cắt giảm đáng kể phát thải CO₂, PM2.5, NOx – vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm.
Nhóm nghiên cứu đánh giá tài xế công nghệ là nhóm phương tiện có tần suất hoạt động cao nhất. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thành phố kỳ vọng đến năm 2029 sẽ giảm 100% lượng phát thải từ nhóm phương tiện này, góp phần cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.
Về kinh tế, đề án giúp tài xế tiết kiệm chi phí nhiên liệu và bảo trì, trung bình khoảng 1.000.000 đồng mỗi tháng. Đây là một khoản đáng kể đối với thu nhập của lao động phổ thông.
Đồng thời, đây là cú hích thúc đẩy công nghiệp xe điện nội địa, tạo thêm việc làm cho các ngành sản xuất, hậu mãi, logistics và dịch vụ pin – sạc.
Về đời sống xã hội, tài xế công nghệ là lực lượng tiếp xúc với hàng triệu người dân mỗi ngày. Khi họ sử dụng xe điện êm, sạch, không khói sẽ tạo hiệu ứng khứu giác và thị giác tích cực và lan tỏa mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng bền vững trong cộng đồng.
Mặt khác, việc triển khai đề án thông qua các nền tảng công nghệ giúp tiếp cận chính sách an sinh dễ hơn, đặc biệt cho nhóm lao động nhập cư, không hộ khẩu, thường bị “bỏ sót” khỏi các chương trình hỗ trợ truyền thống.
Tóm lại, đây không chỉ là đề án về giao thông, mà là bước khởi đầu cho chuyển đổi xanh công bằng tại TP.HCM, nơi lợi ích môi trường gắn chặt với cải thiện thu nhập, sức khỏe và chất lượng sống cho người dân đô thị.
Tài xế đồng tình nếu được hỗ trợ
. Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát, ông nhận thấy các tài xế đánh giá thế nào về việc chuyển đổi?
+ Tài xế là đối tượng chính trong sáu nhóm đối tượng trong hệ sinh thái xe điện mà chúng tôi nghiên cứu. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy tài xế quan tâm và đồng tình vì lợi ích chung nếu các chính sách hỗ trợ được thông qua.
Lợi ích về kinh tế là điều quan trọng nhất các tài xế quan tâm. Họ nhận thấy chi phí vận hành xe điện thấp hơn đáng kể so với xe xăng, giúp tăng thu nhập. Bên cạnh đó là nhận thức về sức khỏe và mong muốn một môi trường làm việc trong lành hơn.
Hai rào cản lớn là chi phí mua xe ban đầu và hạ tầng, thời gian sạc. Dưới góc độ nghiên cứu, chúng tôi cho rằng chuyển đổi xanh giao thông nói riêng và chuyển đổi xanh nói chung cần được triển khai một cách đồng bộ, gắn với truyền thông, khuyến khích phát triển hạ tầng sạc, phát triển công nghệ pin và hỗ trợ tài chính để đảm bảo hài hòa lợi ích và khả năng tiếp cận của người dân. TP.HCM đã có những bước nghiên cứu và chuẩn bị bài bản cho mục tiêu này.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đánh giá giai đoạn giai đoạn 2025–2026 là thời điểm phù hợp để khởi động đề án kiểm soát khí thải. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chúng tôi không tập trung các chính sách mang tính bắt buộc từ đầu mà xây dựng một lộ trình dựa trên nghiên cứu tác động và lợi ích của các nhóm đối tượng liên quan gồm tài xế , doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư hạ tầng năng lượng, trạm sạc, trạm đổi pin, doanh nghiệp nền tảng công nghệ và không thể thiếu là cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng.
Từ đó, đưa ra chính sách cụ thể, giải quyết nhanh các trở ngại như chính sách hỗ trợ vay lãi suất tốt, khuyến khích giảm giá xe từ nhà sản xuất.... đi kèm các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng đồng bộ. Tiếp đó, sau thời gian khuyến khích là phải áp dụng các khung ràng buộc cao hơn về chính sách.
. Sau khi thực hiện nghiên cứu, nhóm sẽ đề xuất lên cơ quan nào để có những bước đi tiếp theo?
+ Quy trình đã được xác định rất rõ ràng theo chỉ đạo của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM. Viện nghiên cứu TP với vai trò là đơn vị nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để hoàn thiện dự thảo đề án. Dự thảo sẽ được trình lên UBND TP.HCM để xem xét, chỉ đạo và tổ chức lấy ý kiến, hoàn thiện.
Đối với các kiến nghị chính sách cần nguồn lực ngân sách, UBND TP sẽ trình Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP để thông qua dưới dạng một nghị quyết hoặc trình đề xuất Trung ương tùy vào thẩm quyền được quy định.
. Ông có đề xuất gì để đề án này sớm áp dụng vào thực tế và theo ông thời gian nào là hợp lý để áp dụng?
+ Để đề án triển khai hiệu quả cần hai yếu tố quan trọng là phối hợp và thời điểm.
Về thời điểm, thành phố đã có sự chuẩn bị về chính sách, hạ tầng và nguồn lực. Do đó, giai đoạn 2025–2026 là thời điểm phù hợp để khởi động đề án, đồng thời tạo đà lan tỏa cho các giai đoạn tiếp theo.
Về sự phối hợp, trước hết là hài hòa lợi ích các đối tượng trong hệ sinh thái và thông tin được cung cấp, tuyên truyền đầy đủ. Do đó, hướng tiếp cận của chúng tôi trong quá trình nghiên cứu là làm việc sâu, trực tiếp các đối tượng trong hệ sinh thái ngay trong quá trình xây dựng từng đề án thành phần.
Đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, thực hiện khảo sát, chúng tôi còn làm việc, trao đổi trực tiếp rất nhiều. Từ đó, tiếp thu được rất nhiều góc nhìn, góp ý và cả đề xuất để xây dựng đề án hoàn chỉnh.
Thông qua đó, không chỉ bài toán lợi ích được xem xét tới mà mọi đối tượng trong hệ sinh thái như một phần của sự nghiệp chung, thấu hiểu và vì lợi ích chung.
Xin cảm ơn ông!
THY NHUNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/tphcm-kiem-soat-khi-thai-da-co-120-tai-xe-xe-may-xang-chuyen-sang-xe-dien-post860671.html