CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH (HoSE: TNH) vừa phê duyệt kế hoạch nâng hạn mức vay vốn tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) chi nhánh Thái Nguyên từ 370 tỷ đồng lên 480 tỷ đồng.
Khoản vay có thời hạn 10 năm với lãi suất theo quy định của MBB, nhằm phục vụ đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) cũng như triển khai các dự án tiếp theo trong chiến lược mở rộng của Tập đoàn.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay bao gồm toàn bộ máy móc, thiết bị tại Bệnh viện TNH Việt Yên, cùng với các bất động sản giá trị như khu đất ký hiệu YT thuộc khu dân cư Nguyễn Thế Nho (thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) và trụ sở văn phòng khám chữa bệnh, nhà ăn (TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Bên cạnh Bệnh viện TNH Việt Yên, doanh nghiệp đang triển khai 2 dự án lớn gồm Bệnh viện TNH Lạng Sơn và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Bệnh viện TNH Việt Yên là dự án bệnh viện thứ 3 của Tập đoàn, được xây dựng trên diện tích hơn 5.000m2, với tổng diện tích sàn gần 30.000m2, bao gồm 15 tầng và quy mô 300 giường bệnh. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên tới gần 618 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Dự án được khởi công vào ngày 9/2/2023 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/11/2024. Đây là bệnh viện đa khoa được trang bị máy móc hiện đại, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị, hướng tới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân Bắc Giang và khu vực lân cận.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ 2024, ban lãnh đạo công ty đặt tham vọng nâng tổng công suất hệ thống lên 2.000 - 2.500 giường bệnh trước năm 2030, so với mức 600 giường hiện tại. Định hướng mở rộng tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM… với mục tiêu phát triển tổng cộng 10 bệnh viện. Đồng thời, TNH cũng đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu bằng cách cung cấp dịch vụ cao cấp hơn, mở rộng hệ thống tiêm chủng và phát triển thêm các phòng khám mới.
Theo SSI Research, TNH cần khoảng 4.363 tỷ đồng để đầu tư và mở rộng 6 bệnh viện, gồm Bệnh viện TNH Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản TNH, Bệnh viện Mắt TNH, Bệnh viện Quốc tế TNH giai đoạn III, Bệnh viện TNH Lạng Sơn giai đoạn I và Bệnh viện TNH Việt Yên.
Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 30/9, doanh nghiệp chỉ có 47 tỷ đồng tiền mặt, trên tổng tài sản 2.514 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 1.715 tỷ đồng, còn lại là nợ phải trả 799 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, TNH đạt doanh thu 332 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 43% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn nhất đến từ Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên.
Minh Vy