Cần làm rõ cơ chế gọi điện thoại 'trợ giúp' khi vi phạm pháp luật giao thông

Cần làm rõ cơ chế gọi điện thoại 'trợ giúp' khi vi phạm pháp luật giao thông
3 giờ trướcBài gốc
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo ngại về ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông
Trước đó, UBTVQH đã nghe và đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận nhiều kết quả đạt được trong thời gian qua, nhưng cho rằng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua chưa được đánh giá đúng mức. Tình trạng tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, thi bằng lái, sát hạch… vẫn tồn tại. “Trong báo cáo đánh giá ý thức, nhận thức về tuân thủ pháp luật về giao thông được nâng cao. Tôi đề nghị xem lại đánh giá này, vì còn một bộ phận không nhỏ vi phạm. Cũng là con người đấy, khi đi ra nước ngoài thì chấp hành tốt quy định nhưng khi về Việt Nam thì lại vượt đèn đỏ… Thành tích chúng ta đánh giá cao nhưng tiêu cực cũng cần đề cập", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu
Cũng đề cập đến ý thức tham gia giao thông, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh: “Khi có cảnh sát giao thông đứng ở chốt, ở trạm thì chấp hành nghiêm. Nhưng không có cảnh sát giao thông thì sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm. Thậm chí, ngay cả đường cao tốc còn trường hợp dừng đỗ, đi lùi, đi ngược chiều”.
Ông Vũ Hồng Thanh băn khoăn, nguyên nhân ở đây là do chế tài còn nhẹ hay do tổ chức thực hiện, chế tài không nghiêm? "Trong báo cáo cũng nói còn tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi nhiệm vụ. Có câu chuyện cần phải làm rõ là cơ chế gọi điện thoại “trợ giúp” (khi vi phạm giao thông - PV). Chỗ này phải xem thế nào, xử lý nghiêm và khi kỷ luật, kỷ cương được chấp hành nghiêm túc thì trật tự an toàn giao thông sẽ tốt hơn", ông Thanh nêu.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị xử lý nghiêm hành vi tham gia giao thông khi có sử dụng rượu bia
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải tiếp tục đề nghị xử lý nghiêm hành vi tham gia giao thông khi có sử dụng rượu bia, đề nghị bóc tách và nhấn mạnh điều này trong báo cáo. Nhìn nhận vấn đề an toàn giao thông đường sắt từ góc độ “cà phê đường tàu” ở Hà Nội, bà Hải trăn trở, đây vốn là những hộ dân đã sinh sống ở đó từ lâu. Người dân mong muốn kinh doanh trên đất của mình chính đáng, khách du lịch cũng mong muốn tới. Liệu có thể vừa đảm bảo an toàn vừa tạo điều kiện cho người dân kinh doanh hay không?
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhận định, báo cáo chưa đề cập sâu đến tình hình tai nạn giao thông nông thôn. Theo ông, nhờ có phong trào xây dựng nông thôn mới, đường nông thôn được đầu tư nâng cấp tốt hơn nhiều, phương tiện di chuyển với tốc độ nhanh hơn, nhưng hệ thống hướng dẫn lại chưa được “phủ rộng”, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của bộ phận đáng kể người dân còn bất cập. Ông cũng mong muốn báo cáo nêu kỹ hơn về tình trạng vẫn có một bộ phận thanh thiếu niên đua xe trái phép.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bổ sung vào báo cáo đánh giá nhiều vấn đề, trong đó, phân tích rõ về quy hoạch, chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông; bổ sung đánh giá một số hiện tượng tiêu cực trong các lĩnh vực như đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, kiểm định phương tiện...
ANH PHƯƠNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/can-lam-ro-co-che-goi-dien-thoai-tro-giup-khi-vi-pham-phap-luat-giao-thong-post760684.html