Cần làm rõ việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố

Cần làm rõ việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố
3 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu
Ngày 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 07 chương, 59 điều (giảm 84 điều so với Luật hiện hành).
Việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Điều 3. Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính
1. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; thị trấn, xã thuộc huyện (sau đây gọi chung là nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương).
2. Chính quyền địa phương là Ủy ban nhân dân được tổ chức tại quận; phường; xã thuộc thị xã, xã thuộc thành phố thuộc tỉnh, xã thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương).
3. Quốc hội quy định tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, về nguyên tắc phân định thẩm quyền, phải bảo đảm: Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; Không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và giữa các cấp chính quyền địa phương; Phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp; Kiểm soát quyền lực và quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên.
Về phân quyền, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Dự thảo Luật quy định theo hướng quy định rõ việc phân quyền phải bằng luật; Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp; Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Về phân cấp, Dự thảo Luật đã quy định theo hướng quy định rõ chủ thể phân cấp và chủ thể nhận phân cấp; Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp; Cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Báo cáo Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Tại Điều 3 mô hình tổ chức chính quyền địa phương, về việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần lý giải cặn kẽ, có tính thuyết phục hơn việc mở rộng này bởi đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các thiết chế về dân chủ ở địa phương.
Về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân (Điều 6), ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định về tổ chức và hoạt động của UBND như dự thảo Luật chưa thể hiện rõ yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; chưa có cơ chế để tăng cường tính tự chủ, chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của UBND, chưa phân định rõ phạm vi trách nhiệm giữa Chủ tịch UBND với tập thể UBND, dẫn đến sự phức tạp, thiếu thống nhất trong mô hình tổ chức cơ quan hành chính ở địa phương vì tuy có cùng tên gọi là UBND nhưng UBND ở nơi có HĐND và nơi không tổ chức HĐND lại có nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động và chế độ trách nhiệm khác nhau.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định thống nhất theo hướng cả nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương và nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương thì UBND đều được tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND là người đứng đầu UBND, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp (đối với nơi có tổ chức HĐND), trước cơ quan nhà nước cấp trên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Quy định rõ quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương
Dự thảo Luật cũng quy định về "Quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương" (Điều 7). Trong đó nêu rõ:
Chính quyền địa phương phối hợp và phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của chính quyền địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp sáu tháng một lần; thông báo đột xuất khi cần thiết.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm lắng nghe, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
PVH
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/can-lam-ro-viec-mo-rong-pham-vi-khong-to-chuc-hdnd-o-cac-xa-thuoc-thi-xa-thanh-pho-20250205161824909.htm