Cần lót ổ hạ tầng để TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn

Cần lót ổ hạ tầng để TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 17/12, tại Hội thảo Giải pháp xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao do Sở Công Thương TPHCM tổ chức, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam – cho rằng muốn phát triển TPHCM thành trung tâm dịch vụ lớn cần có một hệ thống, hợp phần dịch vụ, trước mắt là hạ tầng, chính sách và người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ.
Đối với hạ tầng, kết cấu giao thông vận tải, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, TPHCM cần chuẩn bị tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ có thể có những điều kiện về mặt hạ tầng, ít nhất là về giao thông vận tải, kho bãi để họ có chiến lược trong việc phát triển.
TPHCM cần chuẩn bị những điều kiện hạ tầng tương xứng để phát triển ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại. Ảnh: Ngô Tùng.
Về kết nối vùng, bà Hòa đánh giá TPHCM có tiềm năng trong việc kết nối giữa đường hàng không, đường biển, đặc biệt trong tương lai cảng Cần Giờ có khả năng kết nối với những tàu có kích cỡ lớn nhất thế giới hiện nay. Do đó, TPHCM có thể kết nối với các tỉnh, thành lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) để hình thành siêu đô thị kết nối tạo nên sự phát triển của vùng.
“Khi phát triển dịch vụ, cần nghĩ rằng ai sẽ sử dụng dịch vụ của mình, do đó cần gắn kết với sự phát triển của các nhà sản xuất, cần có đánh giá trong thời gian ngắn hạn, dài hạn những ngành sản xuất nào sẽ là định hướng phát triển của TPHCM và các địa phương lân cận, đồng thời xem xét đến xu hướng phát triển của các nhà sản xuất ở các quốc gia lân cận…”, PGS.TS Thu Hòa lưu ý.
Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Trần Đức Hiển.
Ông Trần Đức Hiển – Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - nhìn nhận các kiều bào, các chuyên gia, doanh nhân kiều bào bằng mối quan hệ, kinh nghiệm của mình có thể đóng góp lớn trong việc kết nối các đối tác ở nước ngoài để phục vụ sự phát triển ngành dịch vụ trong nước.
Ông Hiển dẫn chứng với mặt hàng chất lượng cao của các hãng nổi tiếng trên thế giới thì hiện đã có kiều bào đang làm rất tốt việc này, vấn đề là thành phố cần tạo điều kiện để kiều bào có những vị trí mặt bằng thuận lợi đáp ứng tiêu chí của các nhãn hàng đưa ra. Hoặc về trung tâm tài chính, các kiều bào cũng có mối quan hệ có thể tìm được những đối tác tiềm năng và đang quan tâm đầu tư vào trung tâm tài chính ở TPHCM.
Về việc này, ông Hiển cho biết Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM sẵn sàng phối hợp Sở Công Thương để tiến hành các hoạt động kết nối nhằm phục vụ việc phát triển về dịch vụ tài chính cũng như các mặt hàng chất lượng cao.
Trên cơ sở đó, ông Hiển đề xuất TPHCM có chính sách hỗ trợ rõ ràng và phù hợp thực tế để người Việt Nam ở nước ngoài an tâm và có môi trường thuận lợi khi về nước. Về việc này, TPHCM có thể vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để đưa ra những chính sách đặc thù có khả năng thu hút kiều bào về nước.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết hiện nay đổi mới sáng tạo không còn là yếu tố phụ trợ mà trở thành động lực cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho mọi nền kinh tế.
Ông Đạt góp ý trong bối cảnh TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và địa phương tiêu biểu trong việc áp dụng chiến lược đổi mới sáng tạo, chính quyền TPHCM cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách công nghệ và chính sách cạnh tranh, đảm bảo các biện pháp hỗ trợ công nghệ không chỉ thực hiện một cách hiệu quả mà còn phù hợp với các cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng, với vai trò là đầu tàu phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM có cơ cấu kinh tế hiện đại với tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ hơn 60%.
Trước những mặt tồn tại, khó khăn của các ngành dịch vụ hiện nay cùng các thách thức trong giai đoạn sắp tới, ông Dũng nhìn nhận cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao; đồng thời cần có các nghiên cứu, đề xuất mới trong hoạch định chiến lược khu vực dịch vụ của thành phố để thích ứng hài hòa trong bối cảnh mới và tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển thành phố nói chung và ngành dịch vụ nói riêng.
Ngô Tùng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/can-lot-o-ha-tang-de-tphcm-tro-thanh-trung-tam-dich-vu-lon-post1701693.tpo