Ngày 17-12, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao”.
TP.HCM định hướng ưu tiên phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo
Hội thảo thông tin một số kết quả đạt được trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao” trên cơ sở đánh giá hiện trạng phát triển các ngành dịch vụ.
Theo đó, đến năm 2030, thành phố xác định và định hướng phát triển các ngành ưu tiên, tiềm năng gồm Tài chính, Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Vận tải và Logistics, Du lịch.
Đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành Trung tâm dịch vụ lớn nhất cả nước, khu vực Đông Nam Á và ngang tầm các nước trên thế giới với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao gồm ngành Tài chính, Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, Vận tải và Logistics, Du lịch.
Việc hình thành các trung tâm dịch vụ tại TP.HCM sẽ đặt trọng tâm vào Trung tâm Tài chính Quốc tế, đóng vai trò là hạt nhân chính, cùng với bốn trung tâm dịch vụ chiến lược khác gồm trung tâm Logistics, Khoa học công nghệ và Truyền thông, Du lịch, Y tế và Giáo dục.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM đạt khoảng 65,5 tỉ USD. Nhóm ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GRDP của thành phố và có xu hướng ngày càng tăng từ 57,7% năm 2010 lên 64,9% vào năm 2023.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, quá trình xây dựng đề án, tổ công tác nghiên cứu mô hình của những thành phố phát triển mạnh về thương mại dịch vụ, mỗi thành phố chỉ chọn hai, ba lĩnh vực làm thế mạnh đề tập trung ưu tiên phát triển. Vì vậy, hội thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học... từ đó định hướng, xác định các ngành dịch vụ ưu tiên, tiềm năng với quy mô phát triển phù hợp theo từng giai đoạn để tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới.
“Đây là những chất liệu quan trọng để Sở để tiếp tục hoàn thiện, triển khai đề án sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt”- ông Phương nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÚ UYÊN
Sẽ trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực
Bà Sulina Kaur, Chuyên gia phát triển cơ sở hạ tầng Malaysia cho biết, với sự phát triển cơ sở hạ tầng như Cảng trung chuyển Cần Giờ, khu thương mại tự do Cần Giờ sắp triển khai là điều kiện để TP.HCM phát triển Trung tâm dịch vụ cũng như định hình trở thành trung tâm dịch vụ lớn của khu vực và thế giới.
Theo bà Sulina Kaur, để phát triển mô hình Trung tâm dịch vụ lớn cần xác định có năm yếu tố cốt lõi là cơ sở hạ tầng, yếu tố cộng đồng, môi trường đầu tư ưu đãi và những trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Đồng thời, để TP.HCM trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực, có bốn mô hình dịch vụ thành phố có thể tham khảo: đó là Trung tâm dịch vụ về Tài chính, trung tâm dịch vụ về đổi mới sáng tạo, Trung tâm về Giáo dục và Y tế.
“Đối với trung tâm dịch vụ tài chính trên thế giới, chúng tôi nghiên cứu các mô hình TTTC Quốc tế Dubai, TTTC Quốc tế Busan... TP.HCM có thể đúc kết bài học từ các trung tâm này”, bà Sulina Kaur nói.
Theo bà Sulina Kaur, yếu tố quan trọng đầu tiên hình thành TTTC Quốc tế là ưu đãi đầu tư, đó có thể là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác và chia sẻ ý tưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những hỗ trợ về tài chính gồm giảm thuế, đơn giản hóa các quy trình thủ tục, đặc biệt visa cho chuyên gia nước ngoài tham gia vào các TTTC quốc tế. Đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia đến học tập, làm việc tại các TTTC.
Cũng theo bà Sulina Kaur, để góp phần hình thành TTTC Quốc tế có ba yếu tố quan trọng là tính kết nối, phong cách sống và hạ tầng ICT. “Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến sự kết nối giao thông giữa các sân bay quốc tế cũng như giữa các phương tiện giao thông để các chuyên gia tài chính đến làm việc tại các TTTC thuận lợi”, bà Sulina Kaur nói thêm.
“Phong cách sống cần được tạo ra để các chuyên gia có thể giải trí sau giờ làm việc. Qua đó, không chỉ thu hút chuyên gia mà cả gia đình của họ đến TP.HCM sinh sống, làm việc. Bên cạnh đó, các Trung tâm dữ liệu đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh dữ liệu, hỗ trợ về đổi mới trong công nghệ tài chính nên hạ tầng ICT rất quan trọng”, bà Sulina Kaur nhấn mạnh.
“Tôi hy vọng TP.HCM sẽ xây dựng TTTC xứng tầm cả nước và khu vực trong tương lai” - bà Sulina Kaur nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM có đánh giá, qua các ý kiến góp ý tại hội thảo cùng với 45 bài tham luận, Tổ công tác cùng Sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp thu để hoàn thiện đề án báo cáo thành phố sớm thông qua.
“Việc hoàn chỉnh đề án nhằm triển khai trong thực tiễn chứ không chỉ viết cho hay, đồ sộ rồi đem cất. Do đó, chúng tôi mong muốn các góp ý tiếp tục gắn bó với thực tiễn, cùng với quá trình nghiên cứu từ quốc tế sẽ góp thêm giải pháp cụ thể phù hợp với nguồn lực của thành phố để triển khai hiệu quả trong tương lai” - ông Dũng nói.
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết, hiện nay có khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống làm việc ở các nước, trong đó chuyên gia, trí thức chiếm 10%.
Số lượng chuyên gia, trí thức đang làm việc tại các học viện, nhà trường... tập trung ở các nước phát triển như tại Pháp 40.000 người, Canada 20.000 người, Mỹ có 150.000 người. Riêng thung lũng Silicon có khoảng 12.000 người Việt đang làm việc, khoảng 100 người Việt đang làm cho Ngân hàng Thế giới.
Đặc biệt, đội ngũ chuyên gia trẻ gốc Việt hiện nay đang làm việc tập trung trong các lĩnh vực khoa học chuyên ngành, kinh tế mũi nhọn của quốc gia sở tại như công nghệ thông tin, viễn thông, năng lượng, khoa học vũ trụ...
“Đây là nguồn lực hết sức to lớn có thể đóng góp cho TP.HCM xây dựng và phát triển các ngành dịch vụ” - ông Hiển nói.
Thời gian qua, TP.HCM thu hút khoảng 500 kiều bào là chuyên gia tại các nước về cộng tác với các trường đại học, viện nghiên cứu.
Theo ông Hiển, để phát huy, thu hút chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài đóng góp xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn cũng như phát triển kinh tế chung của thành phố, ông đề xuất một số giải pháp. Trong đó, cần đẩy mạnh thông tin về các chính sách, dự án đầu tư của thành phố. Tạo sự thuận lợi từ khâu nhập cảnh, các thủ tục giấy phép lao động, các vấn đề liên quan đến thuế cũng như môi trường sinh sống, làm việc phù hợp.
.
TÚ UYÊN