Cần luồng tiếp thị riêng cho trà shan cổ thụ Việt Nam

Cần luồng tiếp thị riêng cho trà shan cổ thụ Việt Nam
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều dược chất như catechin, acid amino... trong trà shan cổ thụ cao gấp 20-30 lần so với trà công nghiệp. Nhiều hoạt chất trà shan Việt Nam vượt trội so với các giống trà thông thường, kể cả so với những mẫu phân tích từ trà Nhật Bản, trà Sri Lanka, trà Ấn Độ.
Những điều ấy hội tụ ở cây trà shan tuyết cổ thụ (Camellia sinensis var. Shan), một nguồn gen đặc hữu của Việt Nam. Cây trà shan rừng ở Việt Nam được tìm thấy ở độ cao từ 700-2.800 mét so với mực nước biển ở các tỉnh biên giới Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, dọc theo biên giới với Trung Quốc và Lào, qua các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình.
Trà shan được coi là giống trà quý, “giống trà vàng của thế giới”. Có ít nhất ba giống trà shan ở Việt Nam. Đó là Camellia sinensis var. Shan; Camellia sinensis var. Aassamica (Masters) Kitamura; và Camellia sinensis sanon, trong đó giống trà shan tuyết (Camellia sinensis var. Shan) được sử dụng phổ biến nhất. Phẩm chất của trà chịu ảnh hưởng của mực nước biển rất lớn, nơi càng cao so với mực nước biển thì trà càng quý giá.
Dược chất cao gấp 20-30 lần so với trà công nghiệp
Báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam cho thấy, khối lượng trà tiêu thụ trong nước chỉ bằng một phần ba so với khối lượng trà xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn (khoảng 352 triệu đô la), do tiêu thụ trong nước chủ yếu là các loại trà đặc sản đóng gói. Sản phẩm trà tiêu dùng nội địa hiện nay chủ yếu là trà xanh và các sản phẩm sản xuất từ cây trà shan rừng. Giá bán các sản phẩm trà tiêu dùng nội địa đang cao hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu.
Trong năm năm qua, mức tiêu dùng trà trong nước tăng dần từ 40.000 tấn/năm vào năm 2018 đã lên khoảng 50.000 tấn/năm vào năm 2023; giá bình quân cũng tăng đều từ 150.000 đồng/ki lô gam (năm 2018) đã lên khoảng 200.000 đồng/ki lô gam (năm 2023). Thị trường nội địa đã và đang mang lại thu nhập cao cho người làm trà, nhất là các loại trà chất lượng cao.
Từ Quốc An, sinh năm 1957 là người huyện Miêu Lật, địa danh nổi tiếng ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) về nông nghiệp và sản xuất trà Đông phương mỹ nhân. Gia đình ông có truyền thống làm trà Đông phương mỹ nhân nay đã đến đời thứ sáu.
“Năm 2010, khi nghe nói ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang có cây trà cổ thụ, thân to hai, ba người ôm, tôi tự tìm đường đến. Bởi sau bao nhiêu năm làm trà, đi hơn 60 nước trồng trà trên thế giới, tôi vẫn chưa thấy ở đâu có cây trà to đến thế. Khi nhìn cây trà cổ thụ trăm năm, ngàn năm tuổi vẫn đều đặn cho ra lá để người thu hái, tôi thực sự kinh ngạc, bởi biết đây là thứ nguyên liệu “vàng” để có thể chế biến ra nhiều thượng phẩm”, ông An nhớ lại.
Bôn ba các miền đất của Hoàng Su Phì khám phá các vùng trà khiến ông càng thêm yêu quý mảnh đất con người nơi đây. Năm 2020, ông An đến xã Tân Tiến, nhận thấy nơi này giáp vùng trà cổ thụ Túng Sán, lại có địa hình đón nắng khô ráo, thoáng mát, phù hợp làm xưởng chế biến nên ông quyết định dừng lại mở nhà máy trà Hà An ở đây để đánh thức tiềm năng của trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam.
Đến nay, nhà máy trà Hà An của ông An đã cho ra đời hơn 20 loại trà thượng hạng từ vùng nguyên liệu Túng Sán, Tân Tiến, Tả Sử Choóng... Các sản phẩm của ông chủ yếu được xuất sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan. Hàng năm, ông đưa sản phẩm tham gia các hội chợ trà quốc tế xúc tiến thương mại, giới thiệu trà ở Đài Loan, Đức, Trung Quốc... Hàng ngày, vào vụ chè xưởng của ông tạo công việc cho 20-30 công nhân là người bản địa.
Giáo sư, Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT, Úc, cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên vì những dược chất như catechin, acid amino... trong trà shan cổ thụ cao gấp 20-30 lần so với trà công nghiệp. Các hoạt chất khác cũng đều vượt trội. Trà shan tuyết cổ thụ có hàm lượng polyphenol (catechins + tannin) cao nhất trong các loại trà Việt Nam. Còn rất nhiều hoạt chất khác, trà shan cũng đều vượt trội so với các giống trà thông thường, kể cả so với những mẫu phân tích tôi có được từ trà Nhật Bản, trà Sri Lanka, trà Ấn Độ”.
Trà shan là nguồn gen quý, vốn quý của Việt Nam. Vì thế, theo ông Vọng, chúng ta phải tiếp thị trà shan là đặc sản của Việt Nam, không theo luồng chung như trà đen hoặc trà xanh đang xuất khẩu. Làm như vậy để thị trường nước ngoài hiểu đây là loại sản phẩm đặc biệt, nó không dính vào bất cứ lỗi thông thường nào ở trà công nghiệp.
Xây dựng thương hiệu cho trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam
Với vị trí địa lý nằm dọc dãy Tây Côn Lĩnh, ở độ cao trên 1.300 mét so với mực nước biển, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang được thiên nhiên ban tặng cho nhiều rừng trà shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Hà Giang hiện có diện tích trà shan lớn nhất cả nước với hơn 16.000 héc ta, trong đó có 1.400 héc ta rừng trà shan cổ thụ được chứng nhận hữu cơ.
Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường hiện có diện tích trà nguyên liệu sạch lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 900 héc ta, trong đó có hơn 300 héc ta được trồng tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Sản phẩm trà hữu cơ Cao Bồ của công ty đã được Organic Agriculture Certification Thailand (ACT) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ từ tháng 4-2012. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường, cho biết: “Sau khi được cấp chứng chỉ, giá bán ra trung bình của trà xanh và trà đen Cao Bồ đã tăng từ 2 đô la/ki lô gam năm 2010 lên 4 đô la/ki lô gam. Vào tháng 4-2011, công ty đã ký hợp đồng ngay được với một khách hàng từ Đức, với giá 6 đô la/ki lô gam trà đen và 8 đô la/ki lô gam trà xanh”.
Trên 300 héc ta trà hữu cơ tại xã Cao Bồ đang mang lại cuộc sống ổn định, thu nhập cao cho 640 hộ người Dao áo dài trồng trà ở đây. Nhiều gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu/năm nhờ trồng trà hữu cơ. Hiện tại, giá bán các sản phẩm trà hữu cơ cao cấp từ 6.000-8.000 đô la/tấn, cao gấp 5 lần giá xuất khẩu trà bình quân của Việt Nam.
Đại diện một số công ty xuất khẩu trà Việt Nam cho biết, các sản phẩm trà shan tuyết trồng ở Vị Xuyên, Lũng Phìn, Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên)… khi xuất khẩu dễ dàng vượt qua được tiêu chuẩn khắt khe của EU, và bán được với giá cao lên đến 4.000-4.500 đô la/tấn. Nguyên nhân là do ở những khu vực núi cao, nông dân không bón phân vô cơ, không phun thuốc hóa học để trừ sâu, nên cây trà chính là hữu cơ tự nhiên 100%.
Trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam tự nó đã là một thương hiệu hoàn hảo. Việc tìm một luồng tiếp thị riêng sao cho xứng tầm với loại trà shan cổ thụ Việt Nam là điều cần thiết. Cơ hội trước mắt cho trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam là xây dựng thương hiệu dựa trên ba đặc điểm mà giới yêu trà trên thế giới đang tìm kiếm: (i). Cây trà sống hữu cơ tự nhiên trong rừng với hàng trăm năm tuổi. (ii). Được người dân tộc thiểu số chế biến thủ công. (iii). Nước trà có mùi thơm núi rừng, hoa quả với chất lượng chống khuẩn EGCG + TF3 đặc biệt cao.
HÀM LƯỢNG DƯỢC CHẤT TRONG TRÀ SHAN RỪNG
Dự án Trà shan bền vững ở các vùng miền núi Việt Nam (Sustainable shan tea in mountainous area in Vietnam) do tổ chức Agence Française de Développement của Pháp tài trợ cho Hiệp hội Chè Việt Nam, được Công ty tư vấn Agrifood Consulting International (AFI) cùng với Công ty tư vấn Phát triển châu Á (ADC) thực hiện từ tháng 9-2018 đến tháng 11-2019 đã nghiên cứu cây trà shan và đánh giá chất lượng các loại trà shan tuyết của năm tỉnh Tây Bắc Việt Nam gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và Sơn La.
Theo đó, cây trà shan rừng ở năm tỉnh này có diện tích khoảng 25.409,6 héc ta (1 héc ta tương đương với 4.000 cây - T.G.), trong đó trà shan rừng cổ thụ chiếm khoảng 8.850,8 héc ta.
Kết quả phân tích các hợp chất ở 12 loại trà trong dự án cho thấy hàm lượng polyphenol [EGCG + catechin + tannin] của trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam rất cao; hơn hẳn hàm lượng polyphenol thường được báo cáo là 30-42% (w/w) trọng lượng khô (Khan and Mukhtar, 2007).
Cụ thể, trà xanh shan cổ thụ Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) có hàm lượng polyphenol cao nhất, đạt 49,1% trọng lượng khô, trà xanh shan cổ thụ Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đạt 44,9%, cao hơn so với trà xanh Thái Nguyên là 40,5%.
Trà xanh shan cổ thụ Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đạt 40,4%, trà xanh shan cổ thụ Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đạt 39,6%, trà xanh shan công nghiệp Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đạt 31,4%, tất cả đều lớn hơn trà xanh Nhật Bản có hàm lượng polyphenol là 26,0%.
Đặc biệt, trà vàng shan cổ thụ Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) cũng có hàm lượng polyphenol cao, đạt 46,4%.
Chỉ số chất lượng cao chưa hẳn là trà ngon, nhưng có hàm lượng y dược cao, có khả năng mang lại lợi ích sức khỏe tốt nhất cho người tiêu dùng.
Hàm lượng polyphenol [EGCG + catechin + tannin] đặc biệt cao ở trà shan tuyết cổ thụ Việt Nam là một đặc tính quý hiếm.
Ngọc Ngà
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/can-luong-tiep-thi-rieng-cho-tra-shan-co-thu-viet-nam/