Vẫn còn quá ít lĩnh vực, dự án được hưởng "luồng xanh" đầu tư. Ảnh minh họa: Hoàng Anh
Dự án một luật sửa bốn luật ngành đầu tư được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã đưa ra chính sách “luồng xanh” - tức là thủ tục đầu tư đặc biệt, áp dụng cho một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến bán dẫn, công nghệ cao, nghiên cứu phát triển.
Báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024" do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, đánh giá, đây là điểm sáng quan trọng, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao khi đưa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh giảm tới 260 ngày, xuống chỉ còn khoảng 15 ngày.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này vẫn giới hạn ở một số ít các dự án đầu tư, kinh doanh. Các dự án nằm ngoài phạm vi được áp “luồng xanh” vẫn phải trải qua một quy trình hết sức rắc rối, phức tạp.
Dự án ngoài "luồng xanh" phải trải qua những gì?
Theo VCCI, các giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án cho đến khi đưa vào vận hành đều trải qua rất nhiều bước triển khai, trong đó có những bước không quy định số ngày tối đa giải quyết hồ sơ.
Thậm chí, một số thủ tục được quy định rõ thời hạn, đơn cử như thời hạn tối đa thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là không quá 45 ngày đối với dự án nhóm I, không quá 30 ngày đối với dự án nhóm II, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ nhưng cũng có thể bị kéo dài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dù pháp luật không quy định rõ trường hợp nào sẽ bị kéo dài, kéo dài trong bao lâu.
Chính vì vậy, khó có thể xác định được một dự án sẽ tốn chính xác bao nhiêu thời gian để hoàn tất các thủ tục. Con số 260 ngày giảm được nhờ “luồng xanh” do đó cũng mới mang tính chất ước lượng.
“Thời gian thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất có thể kéo dài trung bình từ 2 – 3 năm mới có thể triển khai, thậm chí lâu hơn”, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban pháp chế VCCI, cho biết.
Trong thời gian như "vô định" đó, doanh nghiệp vướng phải sự rườm rà khi quá nhiều văn bản điều chỉnh một hoạt động đầu tư, từ nghị định, thông tư cho đến công văn hướng dẫn của các cơ quan quản lý.
Đơn cử, rà soát của VCCI chỉ ra, đối với một dự án đầu tư có sử dụng đất từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho đến giai đoạn thực hiện và kết thúc dự án, có khoảng 12 luật, hơn 20 văn bản dưới luật điều chỉnh.
Các quy định này cũng khó để tra cứu do không có cách thức, thiết kế quy định ở các lĩnh vực lại khác nhau, bên cạnh việc không có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể các giai đoạn và thủ tục cho một dự án đầu tư. Đây là khó khăn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.
Chưa kể, các quy định pháp lý bị thay đổi liên tục, gây khó khăn cho nhà đầu tư, thậm chí có khi phải “làm lại từ đầu”, tiêu tốn thời gian và công sức một cách vô ích.
Cần mở rộng thủ tục đầu tư đặc biệt
Một trong những giải pháp rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh được VCCI đề xuất là nghiên cứu, đánh giá để mở rộng phạm vi áp dụng “luồng xanh” cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn hơn trong thời gian tới.
Với điều này, nhà đầu tư sẽ chỉ cần hoàn tất thủ tục giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy phép môi trường. Các yêu cầu quản lý khác vẫn sẽ được thực hiện nhưng dưới dạng “hậu kiểm”, tức là doanh nghiệp triển khai trước, cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra sau.
Như vậy, nhà đầu tư tránh được sự phức tạp, rườm rà của hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính, qua đó đẩy nhanh tiến độ dự án, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, tích cực thúc đẩy cải cách hành chính, sửa đổi quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Mặt khác, tăng cường năng lực thực thi của chính quyền địa phương cũng là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng triển khai dự án, theo VCCI.
Phạm Sơn