Sáp nhập Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận: Động lực tăng trưởng kinh tế – du lịch – logistics

Sáp nhập Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận: Động lực tăng trưởng kinh tế – du lịch – logistics
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 29/4, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận – ông Nguyễn Lê Thành - đã ký văn bản hỏa tốc về việc truyền thông thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh.
Việc sáp nhập mang đến những cơ hội mới
Theo đề cương tuyên truyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận.
Trong quá trình thống nhất đất nước và tiến hành đổi mới, các ĐVHC cấp tỉnh, trong đó có Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông (thành lập ngày 01/01/2004) nhiều lần được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được một số kết quả tích cực góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tp.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhìn từ trên cao (Ảnh: Phi Long).
Tỉnh Lâm Đồng thuộc Nam Tây Nguyên; nằm giữa 3 vùng kinh tế lớn là vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, ở độ cao từ 300m đến 1.500m so với mặt nước biển.
Năm 1893, bác sĩ Yersin phát hiện ra cao nguyên Lang Bian, đặt nền móng cho việc hình thành Tp.Đà Lạt sau này.
Qua quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp ĐVHC các cấp, đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 137 ĐVHC cấp xã, gồm: 106 xã, 18 phường, 13 thị trấn.
Tỉnh Bình Thuận, là tỉnh cuối cùng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; từ năm 1693, triều đình phong kiến đã lập thành trấn và đặt tên vùng đất này là Trấn Thuận Thành.
Qua nhiều biến động lịch sử, theo hệ thống tổ chức hành chính được thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp ĐVHC các cấp, đến nay, tỉnh Bình Thuận có 121 ĐVHC cấp xã, trong đó có 93 xã, 16 phường và 12 thị trấn.
Tỉnh Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Tây Nguyên, hiện có 71 ĐVHC cấp xã; trong đó có 60 xã, 06 phường và 05 thị trấn.
Phương án hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận thành tỉnh Lâm Đồng (mới) với diện tích 24.233,1 km2 và quy mô dân số khoảng 3.324.400 người giúp tỉnh mới có tiềm lực thu hút các dự án công nghiệp và dịch vụ quy mô lớn; mang đến cơ hội lớn về kết nối vùng, phát huy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình mới.
Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố nhằm hướng tới tinh gọn bộ máy hành chính, giảm bớt các đơn vị trung gian, cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả quản lý nhà nước.
Du lịch Bình Thuận phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Tương lai phát triển khi hợp nhất 3 tỉnh
Về kinh tế, việc hợp nhất 3 tỉnh cũng góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các trung tâm kinh tế lớn, các chuỗi giá trị đồng bộ từ khai thác đến chế biến và xuất khẩu; tăng cường sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Các chính sách ưu đãi và dự án hạ tầng giao thông lớn đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, chế biến nông sản và công nghiệp phụ trợ.
Hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng của 3 địa phương: Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông cơ bản đã hoàn thành, bao gồm các tuyến đường cao tốc, Quốc lộ và hạ tầng giao thông công cộng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các địa phương, mở ra cơ hội giao thương và du lịch mạnh mẽ.
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ có các phương thức giao thông gồm: Về đường hàng không có sân bay quốc tế Liên Khương, sân bay Phan Thiết; tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Bình Thuận với 14 ga đường sắt phục vụ cho các đoàn tàu khách và tàu hàng Bắc - Nam; ngoài ra còn có cảng biển và một số tuyến đường thủy nội địa (tỉnh Bình Thuận).
Du lịch - dịch vụ dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực trong phát triển kinh tế. Tỉnh mới vừa sở hữu bờ biển dài và đẹp, vừa có rừng thông, núi non và hồ nhân tạo, đem lại trải nghiệm sinh thái đa dạng và độc đáo. Chuỗi sản phẩm "cao nguyên - biển" kết nối sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Sự tương hỗ giữa du lịch 3 tỉnh hứa hẹn tạo nên điểm nhấn mới, khai thác tối ưu thế mạnh từng vùng. Bên cạnh đó, cùng với số lượng lớn các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, nhiều nghề thủ công truyền thống và những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hòa quyện, đan xen của các dân tộc sẽ tạo cho tỉnh sức hấp dẫn về du lịch.
Tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Khách Ngọc).
Việc hợp nhất 3 tỉnh sẽ tạo nên một tỉnh mới có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu thuận lợi, địa hình trải dài từ biển đến cao nguyên, hình thành hệ sinh thái đa dạng, bổ trợ lẫn nhau.
Điều này mở ra quỹ đất và không gian rộng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đặc thù, phù hợp với nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, hạ tầng logistics, công nghệ chuyển giao và quy hoạch đồng bộ sẽ là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tỉnh mới có vùng lãnh hải rộng, nằm trong một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước, với sản lượng khai thác hải sản đạt 240.000 tấn/năm. Hệ thống sông suối bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh chảy qua Bình Thuận ra biển tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản và chế biến xuất khẩu.
Ngoài ra, việc hợp nhất sẽ mở rộng không gian giao lưu văn hóa, khơi dậy sáng tạo nghệ thuật vùng miền, tăng cường bản sắc chung qua các lễ hội liên kết vùng. Đây cũng là cơ hội xây dựng vùng văn hóa chung, huy động nguồn lực bảo tồn và phát huy di sản, làng nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, lợi thế về công nghệ thông tin và chính quyền số giúp giảm rào cản địa lý, nâng cao hiệu quả quản lý, mang lại tiện ích nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp. Tác động của kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cho tỉnh trong tương lai.
Nguyễn Đắc Phú
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/sap-nhap-dak-nong-lam-dong-binh-thuan-dong-luc-tang-truong-kinh-te-du-lich-logistics-204250429133912963.htm