Sáp nhập để tạo động lực, không gian phát triển mới

Sáp nhập để tạo động lực, không gian phát triển mới
6 giờ trướcBài gốc
Chủ tọa kỳ họp. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp
Tại Kỳ họp thứ 17 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra ngày 29/4, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp mới có diện tích trên 5.933 km2, dân số trên 4,2 triệu người và 102 đơn vị hành chính cấp xã; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang (cũ). Phương án sáp nhập kể trên đã được 98,8% cử tri trong tỉnh tán thành.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trao đổi: Tiền Giang và Đồng Tháp là hai tỉnh có vị trí địa lý liền kề nhau, có nhiều điểm tương đồng về tiềm năng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế từ sông Tiền. Việc sắp xếp tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành một đơn vị hành chính giúp tăng cường hơn nữa thế mạnh của địa phương, tạo nên một hành lang kinh tế dọc sông Tiền trải dài từ khu vực biên giới đến biển Đông.
Về lựa chọn tên gọi là tỉnh Đồng Tháp có tính thương hiệu cao, đại diện cho đặc trưng của vùng Đồng Tháp mười gắn liền với đặc trưng sinh thái - văn hóa của cả hai tỉnh vì vùng Đồng Tháp Mười không chỉ thuộc Đồng Tháp mà còn trải rộng đến một phần Tiền Giang, tạo sự gắn kết tự nhiên giữa hai địa phương. Vì vậy, việc lựa chọn tên Đồng Tháp vừa thể hiện bản sắc chung, vừa thể hiện sự giao thoa, kết nối của hai tỉnh sau hợp nhất.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Việc chọn tên tỉnh mới là Đồng Tháp (một trong hai tên sẵn có trước hợp nhất) giúp giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực, thời gian sau sắp xếp. Qua đó, bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và phát huy được lợi thể so sánh của tỉnh mới với thương hiệu nhận diện là Đồng Tháp, phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Việc lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị tại tỉnh Tiền Giang (thành phố Mỹ Tho hiện nay) là kế thừa yếu tố lịch sử, truyền thống. Dấu ấn của đô thị Mỹ Tho trong lịch sử hình thành và phát triển 346 năm qua là phố thị, những công trình kiến trúc, công trình quân sự... khẳng định sự phồn thịnh cùng vai trò của Mỹ Tho trong mối tương quan với những vùng đất mới (tức khu vực Tây - Nam Bộ bây giờ).
Được xem là một trong những đô thị có lịch sử hình thành lâu đời sớm nhất khu vực Tây Nam Bộ với bề dày phát triển đô thị 346 năm, xuyên suốt từng giai đoạn lịch sử phát triển, Mỹ Tho luôn được chọn là trung tâm hành chính - chính trị của vùng, được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh loại I đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2016. Do đó, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) có vị thế, vai trò trung tâm hành chính, chính trị quan trọng của địa phương, có bề dày quản lý và hạ tầng hành chính.
Từ đó đến nay, thành phố Mỹ Tho luôn được quan tâm tập trung đầu tư phát triển nhất là hạ tầng, quy hoạch và đầu tư khu hành chính cấp tỉnh (Khu làm việc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cùng khu làm việc các sở, ban ngành cấp tinh, các tổ chức chính trị - xã hội), đảm bảo khi hợp nhất tỉnh mới có thể đi vào hoạt động ổn định ngay.
Sóc Trăng triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp
Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Chiều 29/4, Ban thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 122 điểm cầu từ cấp tỉnh đến xã, phường của tỉnh Sóc Trăng.
Tại hội nghị, các đại biểu được triển khai, quán triệt về Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kế hoạch số 47-KH/BCĐ, ngày 14/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp…
Tại hội nghị, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện hết sức khẩn trương, tích cực, nghiêm túc theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ địa phương, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở” với cách làm bài bản, khoa học, dân chủ, nổi bật là kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Sau thời gian khẩn trương thực hiện, đến ngày 25/4, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành tất cả các công việc có liên quan. UBND tỉnh đã có Tờ trình gởi Bộ Nội vụ đề nghị thẩm định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Sóc Trăng và trình cấp có thẩm quyền quyết định (hoàn thành sớm hơn 1 tuần so với quy định).
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng như việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các nội dung của hội nghị và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, cần bảo đảm chặt chẽ, bài bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 45, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là đối với các địa phương mới sáp nhập, hợp nhất...
Thành lập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Huỳnh Quốc Việt trao các quyết định cho Ban lãnh đạo Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN phát
Chiều 29/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức công bố quyết định thành lập Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu, trên cơ sở hợp nhất Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu vào Báo Bạc Liêu.
Theo đó, Tỉnh ủy Bạc Liêu quyết định hợp nhất Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh vào Báo tỉnh thành Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/5.
Tại buổi lễ, ông Hồ Thanh Thủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bạc Liêu công bố quyết định của Ban thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm chức danh Tổng Biên tập; Phó Tổng biên tập Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu.
Cụ thể, ông Lâm Hồ Sỹ, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu kể từ ngày 5/5; bốn Phó Tổng Biên tập gồm: ông Nguyễn Minh Sang, ông Trương Văn Tuấn, bà Cao Xuân Thu Ngọc và bà Nguyễn Thị Lâm Anh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh, việc hợp nhất hai cơ quan báo chí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được sự đồng thuận cao của Tỉnh ủy cũng như đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động của 2 đơn vị. Thông qua đó, để tinh gọn bộ máy, gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý. Việc hợp nhất còn góp phần tiết kiệm chi phí và nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp về thông tin-truyền thông của các loại hình báo viết, phát thanh, truyền hình, tạo ra sản phẩm truyền thông đa phương tiện, hiện đại, hấp dẫn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu, trước mắt, Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu cần tập trung làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong một cách hợp lý, đảm bảo không để ngắt quãng công việc; quan tâm đổi mới, nhất là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin cũng như giải trí của nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Bạc Liêu quan tâm, động viên đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đoàn kết thống nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Hữu Chí - Tuấn Kiệt - Trung Hiếu (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/sap-nhap-de-tao-dong-luc-khong-gian-phat-trien-moi-20250429224926401.htm