Việc đặt tên cho những xã mới sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là việc làm không đơn giản. Bởi lẽ, tên đó không phải đơn thuần chỉ là tên gọi của một đơn vị hành chính cấp xã, mà còn phải đảm bảo các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống, mà còn phải có sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.
Tên cánh đồng muối Sa Huỳnh được đặt tên cho một phường ở thị xã Đức Phổ sau khi sáp nhập phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu. Ảnh TL
Vì thế, tại một số địa phương ở huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, sau khi đưa ra lấy ý kiến, cử tri không đồng ý với việc đặt tên gọi theo số thứ tự và không mang yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương. Rất may, điều này ngay sau đó đã được các cấp ủy, chính quyền lắng nghe và cầu thị sự góp ý của cử tri. Đây là một bước đi đúng đắn, linh hoạt, thể hiện sự tôn trọng đối với truyền thống và lịch sử, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững cho các địa phương trong tương lai.
Thực tiễn cho thấy, việc đặt tên xã theo các địa danh, yếu tố văn hóa và lịch sử còn giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Chẳng hạn như xã Đình Cương (tên gọi mới sau khi sáp nhập 3 xã: Hành Thịnh, Hành Phước và Hành Đức, thuộc huyện Nghĩa Hành) – tên gọi của một ngọn núi ở xã Hành Đức, đã ăn sâu vào trong tâm trí và luôn là niềm tự hào của người dân. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong kháng chiến chống mỹ, cứu nước và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Còn xã Trà Giang (tên gọi mới sau khi sáp nhập 3 xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng và Nghĩa Sơn, thuộc huyện Tư Nghĩa) là tên của dòng sông Trà Khúc, dòng sông lớn nhất Quảng Ngãi, gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân các địa phương này. Vì vậy, sau khi đưa ra lấy lại ý kiến thì có trên 98% cử tri đồng ý, thể hiện sự đồng thuận và gắn kết cộng đồng dân cư rất lớn.
Làm tốt việc đặt tên cho các xã mới sau khi sáp nhập còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử và những đóng góp của cha ông trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ đó, ra sức học tập, lao động, cống hiến sức lực và trí tuệ cho chặng đường phát triển mới của địa phương. Vì thế, khi huyện Mộ Đức quyết định đặt tên xã Mỏ Cày trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Đức Chánh, xã Đức Thạnh, xã Đức Minh đã được người dân đồng tình ủng hộ rất cao. Mỏ Cày là tên di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi diễn ra các trận đánh nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hay như huyện Ba Tơ lấy tên bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để đặt tên cho một xã mới sau khi sáp nhập xã Ba Trang và Ba Khâm. Tại một số địa phương còn lấy các địa danh nổi tiếng từ lâu đời để đặt tên xã, như xã Cẩm Thành, phường Trà Câu, xã Vạn Tường…
Qua việc lắng nghe và cầu thị đối với những ý kiến đóng góp của người dân trong việc đặt tên xã mới sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cũng tạo ra dấu ấn riêng biệt cho mỗi địa phương. Điển hình là việc thị xã Đức Phổ lấy tên gọi của một vùng đất ven biển nổi tiếng của địa phương và là tên của một nền văn hóa khảo cổ học quan trọng ở Việt Nam là Sa Huỳnh để đặt tên cho một phường mới của thị xã Đức Phổ sau khi nhập phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu.
Việc đặt tên các xã mới sau sáp nhập ở Quảng Ngãi theo các địa danh, yếu tố văn hóa và lịch sử không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, mà còn tạo sự đồng thuận, gắn kết trong cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và thu hút đầu tư.
PV