Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với những lợi thế Đồng Nai đang có thì việc huy động 33-35 tỷ USD từ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trong những năm tới không mấy khó khăn. Tuy nhiên, Đồng Nai phải chuẩn bị đầy đủ các tiêu chí doanh nghiệp cần. Cụ thể, các dự án của tỉnh phải đồng bộ quy hoạch đất đai, xây dựng, phân khu, chi tiết… Các thủ tục liên quan đến từng dự án phải được đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết, nhanh chóng có mặt bằng giao cho nhà đầu tư triển khai dự án. Quá trình thực hiện dự án nếu gặp vướng mắc phải được tỉnh, địa phương tháo gỡ kịp thời.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2024, vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 133,9 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn của các doanh nghiệp FDI hơn 50 ngàn tỷ đồng. Kế hoạch năm 2025, vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh là 134 ngàn tỷ đồng. Nếu hơn 230 dự án bất động sản và hàng trăm dự án trên lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, du lịch, logistics, dịch vụ thương mại tháo gỡ được những vướng mắc về chính sách liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng thì vốn đầu tư có thể vượt xa so với kế hoạch năm.
Giai đoạn 2026-2030, khi Sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh… hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ thu hút dòng vốn đầu tư vào tỉnh nhiều hơn trên các lĩnh vực: hạ tầng công nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, bất động sản, logistics… Dòng vốn trên sẽ là động lực giúp tỉnh phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh theo đúng định hướng. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người, quy mô nền kinh tế, thu ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng cao.
Các cơ chế, chính sách thông thoáng, giải quyết nhanh không chỉ giúp Đồng Nai phát triển nhanh, mà còn góp phần thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ cùng phát triển.
Khánh Minh