Cần người ngăn chặn bánh xe căng thẳng Nga-Mỹ

Cần người ngăn chặn bánh xe căng thẳng Nga-Mỹ
3 giờ trướcBài gốc
Đã đến lúc phải chấm dứt leo thang, thúc đẩy hợp tác
Khác với chiến thắng cách đây 8 năm, sự ủng hộ giành cho Tổng thống Donald Trump là không thể nghi ngờ. Điều này được chứng minh bằng sự hiện diện đông đảo hơn nhiều của các doanh nghiệp lớn (5 tỷ phù giàu nhất nước Mỹ thể hiện sự sẵn lòng hợp tác với chính quyền mới), đại diện của giới tinh hoa chính trị và các vị khách quốc tế. Hơn 20.000 người ủng hộ tổng thống mới đã tập trung tại quảng trường trước Điện Capitol. Không giống như bài diễn văn nhậm chức cách đây 8 năm, phần lớn là những phát biểu thận trọng, bài phát biểu trong lễ nhậm chức lần này của ông Trump tràn ngập các kế hoạch cải cách, thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán, sẵn sàng đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm.
Nhìn chung, các bài phát biểu nhậm chức và các sự kiện xung quanh lễ nhậm chức của một tổng thống mới hiếm khi nêu bật các chính sách đối ngoại, mà thường tập trung vào những vấn đề trong nước, gần gũi với cử tri hơn để họ cảm thấy mình có liên quan đến chiến thắng của tổng thống mới. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, ê-kíp của Tổng thống Trump đã nâng mức kỳ vọng về tiến triển giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine (ông Trump từng tuyên bố có thể giải quyết vấn đề này trong vòng 24h, rồi 6 tháng) khiến cộng đồng quốc tế mong đợi những đột phá hoặc ít nhất là những tiến triển mới ngay từ những ngày đầu tiên của chính quyền mới.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Biden đánh dấu giai đoạn khó khăn nhất của quan hệ Nga-Mỹ trong lịch sử. Có thể nói, quan hệ giữa Moscow và Washington chưa bao giờ ở trong tình trạng lạnh nhạt như hiện nay, ngay cả trong những thời kỳ căng thẳng nhất, ví dụ như chiến tranh Triều Tiên, quan hệ Nga-Mỹ cũng không nảy sinh những căng thẳng về lực lượng, rủi ro cao và cảm giác bế tắc chính trị như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, Ukraine được coi là vấn đề quan trọng với Nga trong việc bảo đảm an ninh chiến lược ở vùng cận biên; còn đối với Mỹ, đây là công cụ và cơ hội để gây ra một thất bại chiến lược cho Nga.
Cộng đồng quốc tế mong rằng, quan hệ Nga-Mỹ đang ở dưới đáy, do đó, đã đến lúc cần phải quay trở lại trạng thái bình thường. Xung đột quân sự leo thang, cộng thêm sự sụp đổ gần như hoàn toàn của cấu trúc quan hệ quốc tế được xây dựng trong những thập kỷ trước để duy trì sự ổn định chiến lược, đều không có lợi cho cả Nga và Mỹ. Với những rủi ro ngày càng cao, hoàn toàn có cơ sở để mong đợi những động thái thực chất từ cả hai nước để hạ nhiệt căng thẳng.
Theo dõi quan hệ Nga-Mỹ trong những chính quyền Mỹ gần đây có thể thấy xu hướng “vừa hợp tác, vừa đề phòng”, trong đó hai nước tăng cường cạnh tranh chiến lược, song vẫn duy trì hợp tác ở một số lĩnh vực nhất định nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, cũng như trật tự quan hệ quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva năm 2021 được so sánh với cuộc gặp giữa Gorbachev và Reagan tại Reykjavik, trong đó chính quyền Biden đã kiểm chứng mối lo ngại của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine, chính sách mở rộng của NATO, tuy nhiên các bên vẫn duy trì nhu cầu tăng cường sự ổn định và lòng tin chiến lược ở cấp độ song phương. Song, sợi dây liên lạc bất ngờ đứt đoạn, và chưa đầy một năm sau cuộc gặp, Moscow và Washington rơi vào một cuộc xung đột quân sự, theo cách gián tiếp, ở Ukraine, mà nó đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ cho những nước liên quan, mà còn cả thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ thứ hai không làm thay đổi cán cân quyền lực hay các định hướng chiến lược của Mỹ, vốn dựa trên ý tưởng về sự thống trị liên tục của Mỹ trong hầu hết các lĩnh vực then chốt (kinh tế, quân sự, công nghệ). Một trong những công cụ để thực hiện chính sách này là “làm suy yếu những đối thủ cạnh tranh mà Washington xác định là có thể gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho nước Mỹ”. Ukraine vẫn là một trong những khía cạnh quan trọng xét đến chiến lược trên của Mỹ và phương Tây, và bản thân Tổng thống Trump thật sự mong muốn cắt giảm khối lượng viện trợ cho Kiev và chấm dứt cuộc xung đột Ukraine. Song điều này không có nghĩa là không có những khó khăn, trở ngại đối với Tổng thống Trump trong việc theo đuổi cách tiếp cận tích cực trong quan hệ với Nga.
Nhiều chông gai ở phía trước
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng, hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ, có cả khách quan và chủ quan, bên ngoài và bên trong. Chiến thắng vang dội, thuyết phục của Tổng thống Trump lần này không có nghĩa là các đối thủ của ông sẽ sụp đổ hoàn toàn và không còn có những rào cản, cản trở ông trong việc thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại bởi đặc trưng của hệ thống chính trị Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng, những thất bại đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump có thể khiến những người phản đối ông trở nên mạnh mẽ hơn và làm suy yếu nghiêm trọng sự ủng hộ chính trị trong nước giành cho ông Trump, mà theo giới phân tích, được xây dựng trên một liên minh những người ủng hộ khá phức tạp - từ tỷ phú công nghệ Elon Musk cho đến những người cực kỳ bảo thủ và những trí thức gây tranh cãi như Steve Banner.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ được tổ chức vào năm 2026, nhiều khả năng thời gian để Tổng thống Trump đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng Ukraine còn ngắn hơn. Nếu không đạt được một thỏa thuận nhanh chóng và mạnh mẽ, bản thân Tổng thống Trump có thể sẽ bắt đầu mất hứng thú đối với vấn đề này, trong khi những người ủng hộ việc tăng cường viện trợ cho Ukraine và cứng rắn với Moscow sẽ “thức tỉnh” và tái tổ chức. Mặc dù điều này không có nghĩa là Tổng thống Trump sẽ sao chép các chính sách của người tiền nhiệm, nhưng ông khó có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình cho vấn đề Ukraine mà lắng nghe điều kiện, yêu cầu từ phía Nga. Khi đó, cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng, hoặc sẽ đi theo công thức “không chiến tranh, song cũng không có hòa bình”. Kịch bản sau có nghĩa là sự tham gia lớn hơn của châu Âu và chính quyền Trump sẽ chuyển gánh nặng tài chính sang cho các đồng minh.
Ngoài vấn đề Ukraine và hạ nhiệt xung đột quân sự, vẫn chưa rõ Moscow có thể sẽ thảo luận những gì với giới lãnh đạo Mỹ. Nga được Mỹ xem như là một yếu tố chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, bởi Tổng thống Trump không muốn nhìn thấy sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc, gây bất lợi cho Mỹ, nhưng rõ ràng giới lãnh đạo Nga sẽ không hy sinh mối quan hệ Nga-Trung vì mối quan hệ đối tác khá mong manh với Mỹ. Chương trình nghị sự truyền thống Nga-Mỹ về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí có lẽ sẽ không thể được giải quyết một sớm, một chiều. Thực tế cho thấy, không chỉ bất đồng về các điều kiện nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga-Mỹ, mà thậm chí hai nước còn chưa tìm được tiếng nói chung về chủ đề đàm phán.
Trong hoàn cảnh này, chính quyền Trump, bất chấp mọi sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, rất có thể sẽ lặp lại kinh nghiệm của các chính quyền trước. Sự tích cực và hy vọng trong những ngày đầu tiên của chính quyền Trump có thể sẽ bị thay thế bằng sự thất vọng và lạnh lùng. Bất đồng, mâu thuẫn giữa Nga-Mỹ mà chưa thể giải quyết, thì cục diện chính trị-quân sự thế giới sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/can-nguoi-ngan-chan-banh-xe-cang-thang-nga-my-237769.htm