Cân nhắc kỹ khi thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Tháp Chăm Dương Long

Cân nhắc kỹ khi thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Tháp Chăm Dương Long
7 giờ trướcBài gốc
Tháp Chăm Dương Long gồm 3 tháp, trong đó, tháp giữa cao 39m. Ảnh: Phan Hiếu/BVH.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nhận được tờ trình của UBND tỉnh Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) về việc đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thăm dò, khai quật khảo cổ thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long, huyện Tây Sơn, Bình Định (nay là xã Bình An, tỉnh Gia Lai).
Sau khi xem xét, Bộ VHTTDL cơ bản thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Gia Lai về việc thực hiện Dự án thăm dò, khai quật khảo cổ di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long, với nội dung thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ xung quanh cụm 3 tháp (tại 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc).
Trong công văn, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan liên quan lưu ý, với giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, di tích Tháp Chăm Dương Long đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Vì vậy, việc thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ cần cân nhắc kỹ, dựa trên các tư liệu cũ, các kết quả của nhiều lần khai quật khảo cổ trước đây để đề xuất khu vực, diện tích thăm dò, khai quật khảo cổ phù hợp, bảo đảm khả năng phát lộ được thêm các dấu tích kiến trúc, không chồng lấn lên những lần khai quật trước đây và tránh gây xáo trộn đến tổng thể khu vực Tháp Chăm Dương Long.
Về cơ sở khoa học, cần bổ sung báo cáo đánh giá kết quả thăm dò, khai quật di tích Tháp Chăm Dương Long đã thực hiện những năm trước đây; nhận xét, góp ý về Dự án thăm dò, khai quật của các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý; ý kiến bằng văn bản của chính quyền và nhân dân địa phương.
Đặc biệt, công văn lưu ý, trong quá trình tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ, các nền móng kiến trúc phát hiện được (nếu có) phải được bảo quản, bảo tồn tại chỗ, chỉ thực hiện di dời sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ VHTTDL. Các hiện vật phát hiện được phải được tư liệu hóa, lập hồ sơ khoa học (chỉ rõ vị trí, cao độ, hướng chuyển vị từ tháp) để phục vụ nghiên cứu tái định vị hoặc phục chế, lắp dựng, tu bổ tháp.
Tháp Dương Long gồm 3 tháp: Tháp giữa cao gần 39m, tháp nam cao khoảng 33m (bên trái) và tháp bắc cao gần 32m. Phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc ghép bởi những tảng đá lớn. Theo hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt, cụm tháp Dương Long, trong đó tháp giữa được xem là ngôi tháp gạch cao nhất Đông Nam Á.
Còn theo Bảo tàng tỉnh Bình Định, căn cứ vào vật liệu, đường nét kiến trúc và điêu khắc, các nhà nghiên cứu đã xác định tháp Dương Long được xây dựng vào thế kỷ XII-XIII. Không chỉ đặc biệt ở chiều cao tháp, quy mô tháp còn được thể hiện ở lối kiến trúc độc đáo, các hoa văn, họa tiết được khắc trên những tảng đá đồ sộ ở chân tháp, diềm mái, cửa ra vào… Ngoài 3 cụm tháp chính, còn có 2 kiến trúc bằng gạch nằm ở phía tây được phát hiện qua các lần khai quật khảo cổ trước đó.
P.V
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/can-nhac-ky-khi-thuc-hien-tham-do-khai-quat-khao-co-tai-di-tich-thap-cham-duong-long-10309727.html