Cân nhắc việc Luật Dữ liệu quy định trách nhiệm của Thường trực Ban Bí thư

Cân nhắc việc Luật Dữ liệu quy định trách nhiệm của Thường trực Ban Bí thư
3 giờ trướcBài gốc
Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận tổ về dự án Luật Dữ liệu, chiều 24/10, tại Kỳ họp thứ 8.
Nghiên cứu quy định về trách nhiệm cho phù hợp
Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tức tiếp cận chuyển đổi số là lực lượng sản xuất mới và lực lượng này nếu làm đúng hướng, phát triển tốt thì góp phần rất quan trọng thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Do vậy, việc nghiên cứu ban hành luật là cần thiết, phù hợp để đảm bảo đồng bộ khi có tới 69 luật khác hiện có quy định về dữ liệu. Điều đó cũng đặt ra thách thức đối với ban soạn thảo vì đây là dự án luật mới, khó, yêu cầu tích hợp và đáp ứng bối cảnh cách mạng số.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu
Dự thảo có nhiều quy định liên quan trách nhiệm cơ quan Đảng từ Trung ương đến cấp ủy địa phương trong xây dựng phát triển xử lý và quản trị dữ liệu thuộc cơ quan đảng. Đồng tình với hướng đi này, nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn cho rằng nếu xây dựng luật dữ liệu quốc gia mà chỉ điều chỉnh khối dữ liệu cơ quan Nhà nước thôi thì khó hình thành dữ liệu quốc gia và dữ liệu tổng hợp tập trung của quốc gia.
Tuy nhiên, bà đề nghị cách nghiên cứu thể hiện và xử lý thế nào để phù hợp hơn, cái gì thuộc về trách nhiệm của Nhà nước, cái gì thuộc về trách nhiệm của Đảng. Như dự thảo có 2 quy định giao trách nhiệm cho Thường trực Ban Bí thư quyết định việc chia sẻ dữ liệu dùng riêng do các cơ quan Đảng ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy quản lý để giải quyết tình trạng khẩn cấp, cấp bách; Thường trực Ban Bí thư quy định chi tiết việc thực hiện cung cấp dữ liệu cho cơ quan đảng và tổ chức chính trị xã hội trong trường hợp đặc biệt. Băn khoăn cách thể hiện này, bà Thủy đề nghị cân nhắc, rà soát.
Cũng theo dự thảo, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc kê khai, cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội trong trường hợp đặc biệt khi được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. “Đọc sơ bộ thì thấy hợp lý, nhưng việc kê khai, cung cấp cho “tổ chức chính trị xã hội” thì chủ thể rất rộng, nên cần quy định rõ hơn vì sau này đưa ra thực hiện khó, không biết triển khai thế nào đúng và phù hợp nhất” – nữ đại biểu nêu ý kiến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng có quá nhiều quy định cụ thể trong dự luật, trong khi các phát biểu vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, tức quy định rõ việc của Quốc hội, còn Chính phủ có nghị định, bộ có thông tư và địa phương có văn bản theo thẩm quyền.
Dẫn ví dụ quy định về phân cấp đơn vị quản trị vận hành hệ thống dữ liệu, đề án của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thủy lưu ý luật ghi cụ thể quá thì sau này khó thích ứng sự phát triển, thay đổi từng ngày.
Đồng quan điểm, bà Đoàn Thị Thanh Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, dự án luật sẽ tác động toàn bộ quá trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, là xu thế của kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vương mình của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh. Do đó, bà đề nghị phải nghiên cứu để thể chế đầy đủ, toàn diện chủ trương của Đảng, từ Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai
Góp ý cụ thể vào dự án luật, bà Thanh Mai cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung kết quả rà soát các luận, văn bản quy phạm pháp luật liên quan như về đất đai, kinh doanh bất động sản, thị trường nhà ở… để đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, nên rõ phương án điều chỉnh phạm vi giữa luật này với các luật như giao dịch điện tử, công nghiệp công nghệ số, bảo vệ dữ liệu cá nhân (đang soạn thảo) để tránh chồng chéo.
Nữ đại biểu cũng đặt vấn đề, khi xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp thì mối quan hệ với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành được làm rõ thế nào để không trùng lặp về dữ liệu cũng như đảm bảo các yếu tố cần thiết khác. “Nếu thiết lập cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thì là khối lượng hết sức lớn, đồ sợ, chi phí cho vận hành, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấo là rât lớn, nhất là đảm bảo an ninh dữ liệu” – bà Mai nói.
Cần chính sách đặc biệt, đặc thù thu thút nhân lực
Dự thảo luật dành 1 quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc luật hóa trung tâm này là hết sức cần thiết. Bởi đây không phải là quy định về tổ chức bộ máy mà quy định về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất trong việc xây dựng, quản trị và sử dụng dữ liệu của quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 24/10
Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm đa mục tiêu như chia sẻ dữ liệu số từ các kho dữ liệu tổng hợp giữa các cơ quan nhà nước; cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính công; phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; phát triển kinh tế - xã hội… Thực tiễn kinh nghiệm cho thấy thành công ở nhiều quốc gia, như Hà Quốc, Nhật bản, Ấn độ.
Tuy nhiên, điều đại biểu đoàn Lạng Sơn băn khoăn là dự thảo luật chưa quy định về khái niệm/định nghĩa Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của trung tâm này. Bên cạnh đó, ông đề nghi bổ sung quy định cụ thể hơn về hợp tác quốc tế hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
“Với vay trò, tầm quan trọng của Trung tâm dữ liệu quốc gia, đề nghị có cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù để thu hút, quan tâm và đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ này”, ông Phạm Trọng nghĩa đề xuất.
Hiếu Minh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/can-nhac-viec-luat-du-lieu-quy-dinh-trach-nhiem-cua-thuong-truc-ban-bi-thu-post1130685.vov