Đề nghị xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Đề nghị xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và dự án Luật Dữ liệu.
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ chiều 24-10. Ảnh: VĂN MINH
Thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra những bất cập trong hệ thống BHYT, đặc biệt là mức đóng bảo hiểm thấp và các thủ tục phức tạp trong quá trình thanh toán, chuyển tuyến.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nhất là khi doanh nghiệp trốn đóng BHYT, mà còn gây khó khăn cho người dân khi sử dụng các dịch vụ y tế.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là lo ngại về việc vỡ Quỹ BHYT, dẫn đến việc áp dụng nhiều thủ tục rườm rà trong chuyển tuyến và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế. Việc này không chỉ làm giảm hiệu quả của hệ thống BHYT mà còn tạo ra cảm giác bất tiện cho người dân khi sử dụng dịch vụ.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra rằng, cần phải xem xét lại các thủ tục này để tránh đưa nền y tế thành một hệ thống "giá rẻ", từ đó ảnh hưởng đến cả nền công nghiệp dược và chất lượng chăm sóc y tế cho người dân, nhất là người tham gia BHYT.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: VĂN MINH
ĐB cũng đặt vấn đề khảo sát về mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng BHYT tại các bệnh viện hiện nay để đánh giá chất lượng dịch vụ.
Theo ĐB, chất lượng dịch vụ y tế và các thủ tục phức tạp khiến nhiều người không cảm thấy thoải mái, ảnh hưởng đến niềm tin vào hệ thống BHYT. Do vậy, phải tính toán cơ chế tài chính để người dân được khám chữa bệnh với chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất khi sử dụng BHYT.
ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM). Ảnh: VĂN MINH
ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) cho rằng, cần có sự đồng bộ dữ liệu, nhất là trong vấn đề mua bảo hiểm cho học sinh. Bởi, mỗi năm học mới khi mua bảo hiểm, việc khai lại các trường thông tin của các em là mất thời gian.
Bên cạnh đó, ĐB đề nghị bổ sung vào danh mục BHYT đối với người tham gia BHYT được tầm soát ung thư.
Cùng quan tâm vấn đề này, ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) nhấn mạnh, tầm soát chuyên sâu là một xu hướng tất yếu trong tương lai và BHYT nên tiến tới thanh toán chi phí cho việc tầm soát một số bệnh ung thư. Điều này sẽ giúp người dân được phát hiện bệnh sớm, từ đó cải thiện cơ hội điều trị hiệu quả và giảm chi phí điều trị dài hạn.
ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM). Ảnh: VĂN MINH
Về giám định chi phí khám chữa bệnh, ĐB đề nghị bổ sung thời hiệu cho hoạt động giám định của các bệnh viện, nhằm làm cơ sở cho việc thanh toán chi phí BHYT.
ĐB cho rằng, nên thực hiện giám định mỗi quý một lần để đảm bảo tính minh bạch và kịp thời phát hiện vi phạm trước khi chi phí đã thanh toán. Điều này sẽ giúp tránh trường hợp bệnh viện đã thanh toán chi phí, nhưng sau khi giám định mới phát hiện sai phạm thì không thể thu hồi số tiền đã thanh toán.
ĐB Nguyễn Tri Thức cũng đề nghị xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong khám chữa bệnh BHYT, để người dân có thể tự do lựa chọn cơ sở y tế phù hợp mà không bị giới hạn bởi vị trí địa lý.
Tuy nhiên, việc này cần thực hiện có chọn lọc, chỉ bỏ yêu cầu giấy chuyển tuyến trong một số trường hợp nhất định, chứ không nên xóa bỏ hoàn toàn. Điều này giúp đảm bảo hệ thống y tế vận hành hợp lý, tránh tình trạng quá tải ở tuyến trên và triệt tiêu tuyến y tế cơ sở.
ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội). Ảnh: HÀ THANH
Thảo luận tổ TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nhận định, những vấn đề tồn tại hiện nay trong vận hành BHYT như nguy cơ “vỡ” quỹ luôn thường trực nếu vận hành theo phương thức cũ; chuyển viện, chuyển tuyến đang là vấn đề bất cập; quyền chủ động của người có BHYT chưa được làm rõ…
"Không nên coi việc khám chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế, mà phải tổ chức lại hệ thống y tế làm sao người dân có thể đến nơi khám, chữa bệnh nhanh nhất, đẩy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng bảo hiểm y tế”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói.
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục những khó khăn, bất cập đã được nhận diện, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng chịu sự tác động của Luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cố gắng trình Quốc hội dự án Luật BHYT (sửa đổi) trong năm 2026.
VĂN MINH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/de-nghi-xoa-bo-rao-can-dia-gioi-hanh-chinh-trong-kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-post765118.html