ĐB Nguyễn Tri Thức: Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh viện tuyến chuyên sâu sẽ 'vỡ trận'

ĐB Nguyễn Tri Thức: Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh viện tuyến chuyên sâu sẽ 'vỡ trận'
2 giờ trướcBài gốc
Sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật này. Vấn đề chuyển tuyến được đại biểu quan tâm.
ĐB Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Văn Duẩn
Thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn TP HCM) về dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hoàn toàn đồng ý với việc thông tuyến toàn quốc, không giới hạn địa bàn tham gia BHYT, người có thẻ BHYT có thể khám bệnh ở cơ sở y tế ban đầu (cấp cơ bản) ở bất kì đâu trong đất nước, không phụ thuộc vào nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định. Ví dụ đăng ký chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội nhưng đi công tác ở TP HCM vẫn có thể khám bệnh ban đầu và được thanh toán đầy đủ quyền lợi BHYT theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng của thẻ, kể cả nội, ngoại trú.
Về việc đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong BHYT, theo ý cá nhân và nhiều giám đốc bệnh viện, ông Thức cho rằng chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến khi khám ban đầu ở cấp cơ sở. Nhưng khi chuyển từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu thì phải luôn cần có giấy chuyển tuyến.
Theo ông Thức, nếu bỏ giấy chuyển tuyến sẽ xảy ra tình trạng bệnh nhân sẽ ồ ạt lên bệnh viện tuyến chuyên sâu để khám, chữa bệnh mà không ở tuyến cơ sở, ban đầu. "Người bệnh có tham gia BHYT ở khắp nơi cứ dồn lên Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế… nếu vậy, chỉ cần 1-2 năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở vì không có bệnh nhân và không có kinh phí để trang trải". Điều này sẽ đi ngược với chủ trương là phát triển hệ thống y tế cơ sở"- Đại biểu nêu ý kiến.
Bệnh nhân vào cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Nguyễn Thạnh
Cùng với đó, các nhà quản lý bệnh viện rất quan tâm. Ví dụ, với một ca mổ hạng đặc biệt (kéo dài 6-8 giờ), mỗi ngày bệnh viện chỉ cho mổ 1 ca, chứ không cho mổ ca thứ hai. Nếu bác sĩ mổ ca thứ hai, nguy cơ tai biến cho bệnh nhân mổ là rất cao vì quá sức.
"Giờ nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân ùn ùn đổ về tuyến chuyên sâu, thì với áp lực bệnh nhân như vậy thì bác sĩ sẽ phải mổ nhiều hơn 1 ca, sẽ có rất nhiều rủi ro. Hoặc bây giờ một bác sĩ khám 20 bệnh nhân/ngày, nếu bỏ chuyển tuyến, có thể tới 200 bệnh nhân chờ, thì không có bác sĩ nào kham nổi. Sẽ vỡ trận" - ông Nguyễn Tri Thức nêu quan điểm.
Vì vậy, ông Thức đề nghị sửa đổi khoản 3 điều 27 và khoản 3, điều 28 Dự thảo Luật. Theo đó, khi người bệnh chuyển từ cơ sở khám chữa bệnh này đến cơ sở khám chữa bệnh khác để khám chữa bệnh thì luôn luôn cần phải có giấy chuyển tuyến.
Giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh, theo ông Thức, đó là tóm tắt thông tin khám chữa bệnh của bệnh nhân: Bị bệnh gì, dùng thuốc gì. Do đó giấy này rất quan trọng với bác sĩ ở tuyến chuyên sâu. Đây là yêu cầu gần như bắt buộc về chuyên môn, có lợi cho bệnh nhân.
Người bệnh không có nghiệp vụ cũng như kiến thức sâu về y khoa nên không thể chuyển tải thông tin đầy đủ đến cho những bác sĩ khám sau đó. Việc này cũng nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về y tế, về BHYT.
Ông Thức cho rằng trước đây khi xin giấy chuyển tuyến, người bệnh gặp khó khăn là do các bệnh viện bị khống chế bảo hiểm y tế. Trước đây, mỗi năm bảo hiểm họ giao cho bệnh viện đó một khoản tiền nhất định. Khi họ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì nếu bệnh viện tuyến trên xài bao nhiêu tiền thì bệnh viện tuyến dưới phải chịu, nó như là tiền của mình mà người khác xài mà không kiểm soát được. Đó là lí do các bệnh viện khó khăn khi làm thủ tục chuyển tuyến.
"Tuy nhiên, quy định này đã bỏ được 2 năm, nên thủ tục chuyển tuyến rất dễ dàng" - vị đại biểu là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Văn Duẩn - Minh Chiến
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/db-nguyen-tri-thuc-neu-bo-giay-chuyen-tuyen-benh-vien-tuyen-chuyen-sau-se-vo-tran-19624102416391884.htm