Siêu đô thị TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ hình thành thêm nhiều khu đô thị trong tương lai và những khu đô thị mới này cần phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa những vụ cháy có thể xảy ra...
Những mô hình khu dân cư an toàn về PCCC
Tại Bình Dương cũ, đến thời điểm sáp nhập, cơ quan Công an đã xây dựng được 11 “Khu dân cư an toàn về ANTT và PCCC” nằm rải rác trên các địa bàn. Tiêu biểu trong số này là Khu dân cư Himlam - Phú Đông (nay thuộc phường Dĩ An) với diện tích hơn 5ha. Để thực hiện mô hình này, hằng năm, Ban điều hành có bản đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT và PCCC” và 100% hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết giao ước thi đua xây dựng khu dân cư “An toàn về ANTT và PCCC”.
Ban Quản lý xây dựng quy định, nội quy về PCCC, sử dụng điện, lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của khu dân cư; có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC. Bên cạnh đó, 53 chung cư cao tầng trên địa bàn đều được kiểm tra, xử lý vi phạm và buộc khắc phục sai sót; 100% chung cư xây dựng phương án, thực tập phương án chữa cháy cơ sở và tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC.
Diễn tập PCCC ở TP Hồ Chí Minh.
Tỉnh Bình Dương (cũ) có 51.689 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trong đó có 3.949 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, tập trung chủ yếu ở các cơ sở sản xuất gia công chế biến gỗ, doanh nghiệp sản xuất vải sợi, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng… Toàn tỉnh đã thành lập được 587/587 đội dân phòng (đạt 100%), với tổng số hơn 6.000 đội viên; 31 đội PCCC chuyên ngành, được trang bị 18 xe chữa cháy, 22 xe bồn tiếp nước với 752 đội viên; đồng thời hướng dẫn xây dựng được 6.805 đội PCCC cơ sở, có 87.693 đội viên.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), trước khi sáp nhập cũng đã tổ chức sơ kết việc triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”; nhân rộng mô hình tại 100% khu dân cư, thôn, xóm, tổ dân phố; hướng dẫn 100% hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; tuyên truyền, hướng dẫn 100% hộ gia đình trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ (ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, thiết bị chữa cháy thô sơ) và có ít nhất 1 thành viên được huấn luyện nghiệp vụ PCCC; củng cố phát huy hiệu quả các mô hình an toàn PCCC, các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC”, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đã tổ chức 2.275 lớp tuyên truyền với hơn 309.000 lượt người tham dự; 1.580 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho gần 74.000 người; cấp 70.689 giấy chứng nhận huấn luyện về PCCC và CNCH; đã xây dựng 9 mô hình cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC; 20 khu dân cư an toàn PCCC; 727 tổ liên gia an toàn PCCC và 253 điểm chữa cháy tại chỗ.
Tại TP Hồ Chí Minh, trước tình trạng nhiều vụ cháy xảy ra, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các ban ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền sâu, rộng đến cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCCC-CNCH… Đồng thời, công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện cần đảm bảo thực chất, toàn diện; đưa việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể; nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp nâng cao hơn nữa về nhận thức và phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thường xuyên kiểm tra, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ; duy trì thực hiện việc tổ chức ứng trực và tuần tra, canh gác của lực lượng PCCC cơ sở để kịp thời phát hiện và xử lý khi xảy ra cháy, nổ. Tăng cường công tác phòng ngừa, trọng tâm là công tác tự kiểm tra, xử lý, khắc phục những thiếu sót, vi phạm điều kiện an toàn về PCCC ở trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi làm việc. Thường xuyên tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để chủ động xử lý khi xảy ra tình huống cháy, nổ…
Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động tổ chức rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp về PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do UBND thành phố ban hành.
Ngay sau khu vụ cháy ở cư xá Độc Lập xảy ra, đồng chí Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình nạn nhân, đồng thời triển khai ngay các biện pháp siết chặt công tác phòng cháy, cứu hộ cứu nạn trên toàn thành phố. Đặc biệt là các khu nhà ở sâu trong hẻm, nhà tập thể, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư cũ, các công trình có nguy cơ cháy cao. Tiếp tục xây dựng các tổ chữa cháy liên gia và tổ chữa cháy lưu động để kịp thời ứng phó với các sự cố; thường xuyên huấn luyện kiến thức và kỹ năng PCCC cho người dân tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Đồng thời, cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến quản lý an toàn PCCC tại khu dân cư, đặc biệt tại các địa bàn đông dân cư, hẻm nhỏ, khó tiếp cận khi xảy ra sự cố, không thể để những vụ cháy đau lòng tiếp tục tái diễn chỉ vì sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm…
Áp dụng chuyển đổi số trong công tác PCCC
Chuyển đổi số (CĐS) trong công tác PCCC và CNCH là một vấn đề cần thiết hiện nay. Trong một hội thảo về vấn đề này ở địa bàn Bình Dương (TP Hồ Chí Minh), Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, thành viên nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia cho biết, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về xây dựng phương thức sản xuất số, thì việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực PCCC và CNCH không dừng lại ở mức độ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động PCCC và CNCH theo phương thức hoạt động hiện nay mà cao hơn nhiều, đó là xây dựng phương thức PCCC và CNCH số.
Hoạt động PCCC và CNCH theo phương số sẽ phát hiện và chủ động phòng ngừa vụ cháy xảy ra. Việc ứng dụng công nghệ số và các công nghệ cao khác (công nghệ vật liệu mới, công nghệ in 3D, công nghệ nano, AI, robot và tự động hóa,…) trước tiên là phục vụ phòng cháy: Xác định chính xác những nguy cơ có thể xảy ra cháy, nổ theo thời gian thực bằng hệ thống cảm biến (IoT) và các thiết bị hỗ trợ khác, cập nhật bản đồ cảnh báo cháy, nổ toàn khu vực (khu phố, thành phố hay cả tỉnh).
Những dữ liệu này là đầu vào cho các quy trình phòng cháy thông minh có khả năng ngăn ngừa một cách chủ động những nguy cơ cháy có thể xảy ra. Hệ thống cảnh báo (theo 4Fair), nhanh chóng phát hiện vụ cháy xảy ra theo thời gian thực. Nếu không may xảy ra vụ cháy thì vụ cháy lập tức được phát hiện (theo thời gian thực) nhờ hệ thống giám sát nguy cơ cháy, nổ ứng dụng kỹ thuật số. Thông tin chi tiết về vụ cháy: Địa điểm, tính chất, quy mô, nguy cơ lan rộng,… được cung cấp cho lãnh đạo cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH và các quy trình PCCC và CNCH số.
Sau khi tiếp nhận thông tin, các quy trình PCCC và CNCH số nhanh chóng xử lý dữ liệu và cung cấp cho lãnh đạo cơ quan phương án chữa cháy tối ưu nhất. Khi lãnh đạo đồng ý cho phép hệ thống tự động triển khai hoạt động chữa cháy theo phương án đã phê duyệt thì hệ thống sẽ tự động điều khiển các thiết bị chữa cháy (drone, robot chữa cháy, thang cuốn,..) và sử dụng các vật liệu chữa cháy phù hợp (chất bột ABC, BC, khí CO2, bọt Foam,…) để dập tắt đám cháy.
Mục tiêu hướng đến của lực lượng PCCC và CNCH số là chủ động phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh cháy, nổ và trong trường hợp xảy ra, luôn có phương án tối ưu xử lý vụ cháy ngay lập tức, trong thời gian ngắn nhất có thể.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, để làm được điều này thì phải xây dựng hạ tầng số ngành PCCC và CNCH gồm: Hạ tầng IoT, hạ tầng kỹ thuật (kết nối, lưu trữ), hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng an ninh an toàn. Trong đó, hạ tầng dữ liệu là quan trọng nhất. Bởi hạ tầng dữ liệu có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ quá trình CĐS vì chỉ có thể CĐS thành công khi có dữ liệu. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng được hành lang pháp lý cho PCCC và CNCH số, phát triển lực lượng PCCC và CNCH số và từng bước xây dựng văn hóa PCCC và CNCH số trong toàn xã hội…
Hy vọng rằng mô hình trên sẽ được tiếp tục nghiên cứu triển khai để có được sự an toàn tối đa về PCCC cho các siêu đô thị.
Mã Hải