Theo thống kê, nước ta hiện có 25.000km đường quốc lộ và hơn 6.700 cây cầu, với giá trị ước tính khoảng 3 triệu tỷ đồng. Đại diện Cục đường bộ Việt Nam cho biết, dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn những bất cập như quy mô, chất lượng các tuyến quốc lộ chưa đều, nhiều tuyến quốc lộ chất lượng tốt nhưng cũng có một số đoạn quốc lộ chất lượng quản lý, bảo trì vẫn còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng đường bộ, thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị từng bước tăng tổng vốn dành cho quản lý, bảo trì quốc lộ; siết chặt trách nhiệm đối với các đơn vị chậm duy tu sửa chữa các tuyến đường; đồng thời bổ sung thêm vốn để duy trì hoạt động các hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng dữ liệu cầu, đường, kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm ứng phó với các tình huống thiên tai.
Luật Đường bộ năm 2024 đã cho phép các công trình đường bộ đang khai thác chưa đảm bảo các điều kiện sẽ được xem xét điều chỉnh các hạng mục đảm bảo cho phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho công trình và người tham gia giao thông. Đồng thời, bổ sung quy định đối với các trận mưa bão gây thiệt hại lớn, không chỉ lực lượng của ngành đường bộ mà sẽ huy động thêm sự vào cuộc của nhiều lực lượng cùng tham gia vào công tác phòng chống thiên tai lĩnh vực đường bộ, từ đó sẽ nhanh chóng, kịp thời hơn trong việc xử lý các sự cố.
Ngành giao thông vận tải cần bắt đầu thu thập cơ sở dữ liệu về thiên tai, từ đó xác định được tọa độ, vị trí hay xảy ra sạt lở, nhất là khu vực miền núi. Từ đây có khảo sát kỹ hơn về địa chất, thủy văn, các nguy cơ để có giải pháp phòng chống, khắc phục hiệu quả, tăng tính bền vững cho hạ tầng đường bộ.
Tiến Bình
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/can-phuong-an-cho-ha-tang-giao-thong-vung-nhieu-thien-tai-291266.htm