Cần quy định thống nhất, cụ thể

Cần quy định thống nhất, cụ thể
3 giờ trướcBài gốc
Chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục ban hành
Trong hoạt động của mình, Nghị quyết là hình thức văn bản hành chính duy nhất được HĐND các cấp ban hành tại các kỳ họp. Trong đó, có nghị quyết chứa quy phạm pháp luật (QPPL) được gọi là nghị quyết QPPL, và nghị quyết không chứa QPPL được gọi là nghị quyết cá biệt. HĐND dùng cả hai hình thức văn bản này để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, quyền hạn của HĐND bao gồm: quyền quyết định (quyết định và quy định), quyền thông qua và quyền phê chuẩn. Hình thức văn bản của HĐND thể hiện các quyền hạn của mình là nghị quyết. Đối với nghị quyết QPPL đã được quy định thống nhất và rất cụ thể. Đối với hình thức nghị quyết cá biệt, hiện chưa có một văn bản nào của Quốc hội, Chính phủ hay của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền hướng dẫn trình tự, thủ tục ban hành. Đây là một khó khăn cho việc ban hành hình thức nghị quyết này.
HĐND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: N. Quyền
Trong khi đó, hình thức nghị quyết cá biệt (không chứa QPPL) là loại văn bản được các kỳ họp HĐND xây dựng và ban hành khá nhiều, nhất là đối với HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác,HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã chỉ được ban hành nghị quyết QPPL trong trường hợp được luật hoặc nghị quyết của Quốc hội giao. Còn lại là các nghị quyết không chứa nội dung QPPL.
Hiện nay, việc xây dựng và ban hành nghị quyết cá biệt chưa có quy định pháp luật thống nhất, cụ thể về thủ tục, trình tự xây dựng và ban hành hình thức nghị quyết này. Tuy nhiên không vì thế mà trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết cá biệt được thực hiện một cách tùy tiện, mà nó vẫn phải thực hiện theo những nguyên tắc nhất định. Đó là: nghị quyết được ban hành phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản QPPL trong hệ thống pháp luật; phải tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL; bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản QPPL; bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản QPPL; bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL…
Có cn lấy ý kiến, đánh giá tác động?
Trong xây dựng và ban hành nghị quyết cá biệt, có những nghị quyết không cần phải xem xét đến sự cần thiết phải xây dựng nghị quyết như: nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm; nghị quyết phê chuẩn, xác nhận kết quả bầu cử; nghị quyết phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc UBND; nghị quyết thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan chuyên môn thuộc UBND; nghị quyết tổng biên chế ở địa phương...
Có những nghị quyết nhất thiết phải xem xét nghiên cứu sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết. Đó là các nghị quyết về chủ trương đầu tư, các nghị quyết thông qua các đề án, dự án, kế hoạch phát triển về lĩnh vực kinh tế... Việc ban hành nghị quyết cá biệt phải bảo đảm quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi bổ sung 2019), trước khi được HĐND thông qua và ban hành thì phải được các Ban HĐND thẩm tra.
Trình tự xây dựng, ban hành nghị quyết cá biệt có thể theo các bước như sau: Thường trực, các Ban HĐND, UBND, UBMTTQ hoặc các cơ quan khác đề xuất xây dựng ban hành nghị quyết theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các công việc quản lý nhà nước hoặc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tại phiên họp Thường trực HĐND, Thường trực, các Ban HĐND nghe cơ quan đề xuất trình bày sự cần thiết và tiến hành thảo luận. Nếu các thành viên dự họp nhất trí, Thường trực HĐND sẽ đưa vào danh mục xây dựng nghị quyết. UBND giao cho cơ quan tham mưu, chủ trì xây dựng nghị quyết, trình dự thảo ra HĐND thảo luận, biểu quyết thông qua…
Tuy nhiên, có những nghị quyết cá biệt có nội dung phức tạp như: Nghị quyết thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất; nghị quyết chuyển mục đích sử dụng rừng; hoặc các nghị quyết về chủ trương đầu tư, nghị quyết thông qua các đề án quy hoạch, các kế hoạch phát triển kinh tế... Những nghị quyết này có cần lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức chịu ảnh hưởng hay không? Có cần phải đánh giá tác động về xã hội, về môi trường hay không?... Đây là những câu hỏi chưa được trả lời. Do vậy thời gian tới rất cần sự quan tâm, nghiên cứu và hướng dẫn của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan Trung ương có trách nhiệm trong xây dựng và ban hành nghị quyết cá biệt trong hoạt động của HĐND.
Có thể nói, nghị quyết cá biệt là hình thức văn bản được HĐND các cấp sử dụng nhiều trong các kỳ họp, nhất là các kỳ họp của HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã. Để nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND các cấp, việc có một quy định thống nhất, cụ thể về quy trình, thủ tục, trình tự ban hành nghị quyết cá biệt tại các kỳ họp HĐND hết sức cần thiết. Đây chính là một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc ban hành các văn bản của HĐND, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.
Ngô Quyền - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lào Cai
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/can-quy-dinh-thong-nhat-cu-the-post391785.html