Sáng nay, ngày 12/2 sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành họp tại tổ để thảo luận, góp ý vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp tại Tổ 4 ngày 12/2
Đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Đoàn ĐBQH trong xây dựng chính sách và soạn thảo luật
Góp ý vào hai dự án Luật trên, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đã đồng ý đưa ra khỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cấp xã. Đồng thời, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, xem xét bổ sung quy định, chế tài về trách nhiệm của các Đoàn đại biểu, đại biểu khi tham gia ý kiến về quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo luật, qua đó phát huy vai trò của các đại biểu; Cần có quy định về tạm dừng, ngưng hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; Cân nhắc bổ sung thành lập Ban soạn ghảo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn TP Hải Phòng góp ý tại tổ
Góp ý vào Điều 6 của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), liên quan đến qui định “trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng”, đại biểu Nguyễn Văn Thuận – đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thực tế các Chương trình xây dựng pháp lệnh, luật, Nghị quyết của quốc hội hàng năm được Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời đáp ứng tốt yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
“Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng văn bản, chính sách, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền đối với chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật khi xây dựng ban hành và tổ chức thi hành luôn tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế và mang tính khả thi cao”- đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
Cần có cơ chế "kiểm định" phản biện xã hội
Góp ý vào dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) bố cục với bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015), đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng, theo tinh thần làm luật mới của Trung ương giảm một số điều liên quan là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên giảm 101 điều thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần có đánh giá tác động của nội dung giảm và cần xem xét có phù hợp với quá trình xây dựng pháp luật chưa?
Đại biểu Tống Văn Băng - Đoàn TP Hải Phòng
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Tống Văn Băng cũng đồng ý bãi bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã và cần cân nhắc đưa thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước nâng quy định sang Thông tư. Đại biểu cho rằng, cơ quan Kiểm toán là thực hiện nghiệp vụ, nên ban hành Thông tư mang tính quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các nội dung liên quan quản lý nhà nước là chưa phù hợp.
Cũng liên quan đến dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp ý vào nội dung tham vấn chính sách và lấy ý kiến, cần làm rõ ai sẽ tham vấn chính sách?
Đại biểu cũng đồng ý với quy định Điều 23, 25, đối với chương trình luật pháp hàng năm, giao cho Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và quy trình bảo đảm tính linh hoạt chủ động. Đồng thời, đại biểu đề nghị “Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thì cần thông tin cho đại biểu để biết, để đại biểu nghiên cứu trước để góp ý cho sát thực hơn”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu
Đồng thời, đại biểu cũng góp ý vào quy trình sửa đổi, thời gian hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật… và đề nghị có quy định những trường hợp đặc biệt cấp thiết thì phải ban hành ngay sau kỳ họp.
“Đề nghị các văn bản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật phải ban hành cùng một ngày để đảm bảo thực hiện đúng thời gian hiệu lực của văn bản”- đại biểu Nguyễn Thị Yến góp ý.
Về vấn đề phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách tại Điều 6, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các nội dung quy định tại các khoản 1,2 và 3 của Điều 6 cần cụ thể hơn về cách thức, thời gian, đối tượng, nội dung trọng tâm của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến nhằm làm cho việc tham gia ý kiến, phản biện xã hội… mang tính trọng tâm, đúng thực chất, tránh dân chủ hình thức, đặc biệt đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các vă bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành.
Đại biểu Lê Tiến Châu - Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Lê Tiến Châu - Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng nếu tăng cường hoạt động phản biện xã hội thì cần quy định rõ cơ chế phản biện để chất lượng các dự án luật tăng lên.
Đại biểu đặt câu hỏi chất lượng phản biện xã hội và tiếp thu phản biện ra sao? Do vậy, đại biểu cho rằng nếu tăng cường phản biện xã hội thì phải có cơ chế nâng cao chất lượng phản biện, cơ chế tiếp thu, giải trình thì mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Trong phiên họp tại tổ vào sáng 12/2 về góp ý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu đều nhất trí cần ban hành hai luật trên nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tạo sự thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thu Hường