Cần rà lại rất kỹ cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Cần rà lại rất kỹ cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
11 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh phiên họp
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối buổi chiều 10-2, UBTVQH đã nghe Tờ trình số 74/TTr-CP ngày 8-2-2025 của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự thảo nghị quyết kèm theo. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội cũng đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ về vấn đề này.
Theo đó, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT thấy rằng, hồ sơ dự thảo nghị quyết cơ bản đáp ứng yêu cầu theo pháp luật về đầu tư để trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT đề nghị Chính phủ cập nhật bổ sung hoàn thiện thêm các thông tin về việc chuẩn bị dự án để thấy rõ sự cần thiết của các chính sách đề xuất trong hồ sơ. Bên cạnh đó, có ý kiến trong ủy ban cho rằng, thành phần hồ sơ cũng như thời hạn gửi hồ sơ để thẩm tra không đáp ứng được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để kịp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ bổ sung cơ sở chính trị, pháp lý, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về mốc tiến độ (dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2030) để làm rõ sự cần thiết phải ban hành nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù này ở thời điểm hiện tại (thay vì đợi ban hành cùng với Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) dự kiến trình tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, khai mạc tháng 5-2025).
Theo cơ quan thẩm tra, một số cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo nghị quyết không thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc không liên quan trực tiếp đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Ảnh Tư liệu
Vẫn theo Thường trực Ủy ban KH-CN-MT, các chính sách đặc thù do Chính phủ đề xuất đều khác so với quy định của pháp luật hiện hành, do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ sự phù hợp của các chính sách với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; đồng thời, đề nghị rà soát các nội dung quy định tại dự thảo nghị quyết bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định 178-QĐ/TW ngày 27-6-2024 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nội dung đề xuất trong dự thảo nghị quyết để bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội, hợp lý, khả thi, chính xác, tránh trùng lặp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Thường trực Ủy ban KH-CN-MT chỉ ra rằng, một số cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo nghị quyết không thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc không liên quan trực tiếp đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như: các cơ chế, chính sách về vay vốn tín dụng và phân bổ ngân sách đối với UBND tỉnh Ninh Thuận; cơ chế về miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư; trình tự thực hiện... Trong khi đó, dự thảo nghị quyết lại chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với nguồn nhân lực (đào tạo, đãi ngộ, thu hút nhân lực…) hay về đất đai, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, do đây là ngành có đặc thù, đòi hỏi chuyên môn, trình độ cao, tiềm ẩn tính nguy hiểm, độc hại. Nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp sẽ khó chủ động triển khai thực hiện và vận hành dự án trong trước mắt và dài hạn.
ANH PHƯƠNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/can-ra-lai-rat-ky-co-che-chinh-sach-dac-thu-cho-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-post781296.html