Thông tin này nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, giới chuyên gia và người dân. Theo đó, dự kiến đến năm 2035, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 355km; Hà Nội có 10 tuyến, tổng chiều dài khoảng 410km.
Metro được xác định là một trong những mục tiêu, giải pháp trọng tâm trong định hướng chiến lược xây dựng giao thông trong đô thị thông minh. Đề án được xây dựng trên cơ sở tham khảo mô hình các nước tiên tiến và căn cứ thực lực, khả năng tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đặt trong chiến lược tổng thể, diện mạo các tuyến metro hiện đại trong tương lai là điểm nhấn quan trọng của bức tranh kinh tế-xã hội đất nước.
Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Ảnh: qdnd.vn
Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành những dự án metro đầu tiên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ giúp ích rất nhiều trong triển khai các đề án có quy mô lớn sắp tới. Trong đó, việc áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù chính là cách để tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế để dự án sớm được triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong 10 năm phải hoàn thành các mục tiêu trên là một thử thách rất lớn, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định quyết tâm, năng lực thực hiện những công trình mang tầm thời đại.
Cùng với các dự án đường sắt tốc độ cao, sân bay, mạng lưới cao tốc đường bộ... hình hài của những tuyến metro hiện đại vừa là phương tiện vừa là động lực để đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới, nâng tầm vị thế, tiềm lực, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
PHAN TÙNG SƠN