Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế".
Trong đó, có đặt ra yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến chính sách đối với đào tạo các ngành, nghề lĩnh vực đặc thù nghệ thuật và thể dục thể thao.
Đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo nghệ thuật đã có chia sẻ về những đặc thù trong giảng dạy và đề xuất ý kiến về cơ chế, chính sách.
Mong muốn đào tạo trung cấp trong cơ sở giáo dục đại học
Thông tin về thực trạng đào tạo tại Học viện Múa Việt Nam, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Thanh Tú - Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết, Học viện hiện đang đào tạo 02 chương trình trình độ trung cấp: Ngành Diễn viên múa, chuyên ngành Diễn viên kịch múa; Ngành Diễn viên múa, chuyên ngành Diễn viên múa dân gian dân tộc Việt Nam.
Tại Học viện Múa Việt Nam, chương trình đào tạo trung cấp múa kéo dài từ 3 đến 6 năm do những đặc thù riêng biệt của ngành và phương pháp đào tạo chuyên sâu từ sớm.
Tuyển sinh từ độ tuổi rất nhỏ: Học viện thường tuyển sinh học sinh từ lớp 6 hoặc lớp 7 (khoảng từ 11 đến 13 tuổi). Đây là độ tuổi lý tưởng để bắt đầu đào tạo múa chuyên nghiệp vì cơ thể đang phát triển, dễ uốn nắn, dễ thích nghi với việc luyện tập kỹ thuật cao; có thể rèn luyện dần từ căn bản đến nâng cao theo lộ trình bài bản.
Nghề múa đòi hỏi rèn luyện thể chất và kỹ thuật lâu dài: Múa là ngành đặc thù, yêu cầu học sinh phải phát triển cơ thể toàn diện (dẻo dai, cân đối, sức bền...), do đó không thể đào tạo cấp tốc trong một khoảng thời gian ngắn. Việc rèn luyện cần thời gian dài để phát triển thể chất, kỹ năng kỹ thuật, cảm thụ nghệ thuật, và cả khả năng biểu diễn.
Chương trình đào tạo yêu cầu học sinh phải có sự tiếp nhận kiến thức, phát triển từ cơ bản đến chuyên sâu: học sinh cần thời gian để học kỹ thuật múa cơ bản của múa cổ điển, múa dân gian, múa đương đại, rồi mới tiến đến các kỹ thuật biểu diễn nâng cao; song song đó là việc học âm nhạc, lý thuyết nghệ thuật, và kỹ năng hỗ trợ khác như thể lực, hình thể… Học sinh phải tập luyện hằng ngày trong thời gian dài để duy trì và nâng cao kỹ năng.
Học song song văn hóa và chuyên môn: Trong 6 năm học, học sinh phải học song song chương trình văn hóa phổ thông (từ lớp 7 đến lớp 12) và chương trình đào tạo chuyên ngành múa. Điều này khiến thời gian đào tạo bị kéo dài hơn bình thường vì không thể chỉ tập trung học nghề, mà còn phải đảm bảo học đủ kiến thức văn hóa để tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Định hướng chuyên nghiệp từ sớm: Chương trình 6 năm tại Học viện Múa Việt Nam giống như một hình thức "ươm mầm tài năng nghệ thuật" từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trung cấp (hết 6 năm), học viên khoảng 18 tuổi, có thể trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp vì đây được coi là giai đoạn “vàng” đối với tuổi đời và tuổi nghề của người diễn viên múa.
Thạc sĩ Bùi Thanh Tú - Trưởng Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Múa Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Thông tin về đào tạo trình độ trung cấp tại Học viện Múa Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Thanh Tú cho biết, điều này góp phần duy trì truyền thống đào tạo và khai thác tối đa đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của Học viện.
Học viện Múa Việt Nam có truyền thống 65 năm đào tạo trình độ trung cấp ngành Diễn viên múa. Hiện nay, Học viện có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất chuyên sâu, phù hợp để dạy cả hệ trung cấp và đại học. Mô hình "liên thông 3 cấp" (trung cấp – cao đẳng – đại học) giúp đảm bảo tính liên tục và nâng cao chất lượng trong đào tạo.
Bên cạnh đó, đào tạo trung cấp cũng giúp đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực để tiếp tục đào tạo trình độ đại học. Học viện Múa Việt Nam là cơ sở đầu ngành trong cả nước về đào tạo trung cấp Diễn viên múa, có số lượng học sinh múa đông nhất cả nước hiện nay. Ở Hà Nội, có rất ít trường văn hóa nghệ thuật có đào tạo trung cấp múa.
Các cơ sở đào tạo trình độ đại học ngành Biên đạo múa và Huấn luyện múa ở Hà Nội đều yêu cầu thí sinh đầu vào phải có bằng trung cấp múa (trừ chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Biên đạo múa sự kiện của Học viện Múa Việt Nam).
Do đặc thù của ngành múa, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp chưa muốn học ngay lên đại học mà cần có một khoảng thời gian (từ 3 đến 5 năm) làm nghề diễn viên múa. Nhiều học sinh tốt nghiệp trung cấp ở các trường văn hóa nghệ thuật các tỉnh sau khoảng thời gian này cũng không lên Hà Nội để tiếp tục học đại học. Thực tế cho thấy hầu hết thí sinh thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội hoặc Học viện Múa Việt Nam đều đã tốt nghiệp trung cấp múa tại Học viện Múa Việt Nam (do Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội không đào tạo trung cấp múa).
Vì vậy, Học viện rất mong muốn được tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp ngành Diễn viên múa nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực để tiếp tục đào tạo trình độ đại học cho các cơ sở đào tạo; đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động, nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật, trung tâm văn hóa… trên cả nước hiện đang rất cần diễn viên múa trình độ trung cấp.
Ảnh minh họa. Website Học viện múa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Bùi Thanh Tú cũng đề cập đến lý do cần đào tạo văn hóa phổ thông trong cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghệ thuật, thể dục thể thao.
Thầy Tú nói: "Mô hình đào tạo kết hợp song song giữa các môn văn hóa phổ thông và các môn chuyên ngành nghệ thuật múa trong cùng một cơ sở đào tạo là cần thiết, được áp dụng ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới vì phù hợp với tính đặc thù của đào tạo các ngành năng khiếu nghệ thuật.
Thực tiễn giảng dạy tại Học viện Múa Việt Nam đã cho thấy những ưu điểm và thuận lợi của mô hình đào tạo văn hóa phổ thông kết hợp với đào tạo chuyên môn trong chương trình trung cấp tại chỗ, đồng thời, Học viện cũng đáp ứng được những yêu cầu như đối với một Trung tâm Giáo dục thường xuyên (theo Thông tư số 10/2021/TT-BGDĐT).
Để tạo cơ chế thuận lợi nhằm thu hút được nguồn dự tuyển chất lượng cao, nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường khối văn hóa nghệ thuật, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1725/QĐ-BVHTTDL ngày 26/5/2021 về việc xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Khi được lấy ý kiến xây dựng Nghị định, một trong những nội dung quan trọng được các trường khối văn hóa nghệ thuật đồng thời đề xuất là được phép thực hiện mô hình đào tạo văn hóa phổ thông kết hợp với đào tạo chuyên môn tại chỗ, dưới sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh đang theo học tại Học viện thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số. Nếu Học viện được phép đào tạo văn hóa phổ thông trong nhà trường, sẽ giảm thiểu tối đa việc phát sinh những khoản chi phí khác ngoài dự tính của gia đình học sinh, không làm ảnh hưởng đến điều kiện sống, mức chi tiêu của học sinh vốn đã rất hạn hẹp. Điều này cũng tạo ra tác động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của Học viện.
Theo quy định trước đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Học viện có thể tổ chức tuyển sinh trình độ trung cấp nhiều đợt trong cùng một năm học, do vậy, thời điểm tuyển sinh của Học viện sẽ không trùng với thời điểm tuyển sinh của các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Điều này dẫn đến việc sự khó khăn đối với học sinh trong việc nhập học tại cả hai trường, đồng thời ảnh hưởng tới sự chủ động trong công tác tuyển sinh của Học viện. Nếu Học viện được phép đào tạo văn hóa phổ thông trong nhà trường sẽ thuận lợi và chủ động trong công tác tuyển sinh, thu hút được nhiều thí sinh có năng khiếu dự tuyển, mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn tuyển.
Do đặc thù của nghề nghiệp, để nâng cao chất lượng đào tạo qua kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao trong các ngày lễ lớn, học sinh của Học viện thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật cấp quận, thành phố và quốc gia.
Thời gian luyện tập chương trình và biểu diễn kéo dài, địa điểm biểu diễn không chỉ trong phạm vi thành phố Hà Nội, nhiều chương trình diễn ra ở các tỉnh.
Trong quá trình học chuyên môn, học sinh tham gia các học phần có chuyên gia nước ngoài giảng dạy (phải tạm dừng học văn hóa và chuyên môn do thầy trong nước giảng dạy để học liên tục theo kế hoạch của chuyên gia). Thời khóa biểu hiện nay Học viện đang thực hiện có sự đan xen giữa các tiết học chuyên môn và tiết học văn hóa trong cùng một buổi học…
Vì vậy việc phối hợp xây dựng, thực hiện và điều chỉnh kế hoạch học tập, sắp xếp thời khóa biểu giữa các đơn vị: Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế - Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản - Khoa Diễn viên múa; giữa các cán bộ quản lý đào tạo - giáo viên văn hóa - giáo viên chuyên môn trong thực tế rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có sự linh hoạt, điều chỉnh thường xuyên và kịp thời; vừa đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch biểu diễn, vừa phải thực hiện đúng tiến độ trong đào tạo chuyên môn và văn hóa.
Ngoài ra, do độ tuổi của học sinh quá nhỏ, phải sinh hoạt, học tập và trưởng thành trong môi trường xa gia đình, thiếu sự quan tâm, chỉ bảo của bố mẹ, vì vậy vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp (Học viện luôn duy trì hoạt động của Hội đồng Giáo viên chủ nhiệm), giảng viên bộ môn, các phòng chức năng… trong việc quản lý mọi mặt về tâm, sinh lý, diễn biến tư tưởng của từng học sinh có tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống và thái độ đúng đắn, tích cực, nâng cao kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Với độ tuổi học sinh cấp trung học phổ thông, nhiều học sinh sống tại khu ký túc xá (cách Học viện khoảng 400m), học sinh có thể tự đi bộ đến Học viện để học văn hóa, tránh việc phải di chuyển đến các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ngoài Học viện để học tập (nếu trung tâm yêu cầu) sẽ là trở ngại lớn cho học sinh về thời gian học cũng như vấn đề đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Việc cho phép đào tạo văn hóa phổ thông trong nhà trường sẽ giúp Học viện thực hiện được mục tiêu kép: vừa đảm bảo kiến thức về văn hóa phổ thông, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo về chuyên môn cho học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được học tập và trưởng thành.
Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung cho đào tạo nghệ thuật, thể dục thể thao
Chia sẻ về một số vấn đề liên quan đến đào tạo ngành nghệ thuật, Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, trước hết về yêu cầu giảng viên có trình độ cao đối với ngành nghệ thuật không dễ vì mang nhiều tính trải nghiệm. Từ bước làm sâu sắc hơn nghề nghiệp ở bậc thạc sĩ đến những sáng tạo về mặt lý luận ở bậc tiến sĩ càng đòi hỏi điều này nhiều hơn.
Mặc dù khó khăn nhưng để đáp ứng yêu cầu về giảng viên theo quy định, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã xây dựng lộ trình để phát triển đội ngũ.
Đầu tiên là tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên hiện tại nâng cao trình độ, hỗ trợ một phần kinh phí, sắp xếp bổ nhiệm vị trí việc làm sau khi hoàn thành việc học. Thứ hai là thu hút nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài như ở Bulgaria, Hungary, Mỹ, Trung Quốc. Thứ ba là đẩy mạnh lực lượng nghệ sĩ phấn đấu học nâng cao trình độ.
Ngoài ra, yếu tố cơ sở vật chất là vô cùng quan trọng đối với các trường đào tạo nghệ thuật. Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có trường quay, xưởng phim, tuy nhiên chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế, vẫn cần những phòng thực hành công nghệ cao, hiện đại để giảng viên nghiên cứu, sinh viên học tập nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc đào tạo. Kể cả với việc đào tạo các bộ môn truyền thống cũng cần được công nghệ hóa.
Thực tế, Việt Nam có không ít trường quay, sân khấu, nhà hát, mặc dù vậy chưa khai thác được tối đa hệ thống cơ sở vật chất này, dẫn đến lãng phí. Thiết nghĩ, nếu có thể xây dựng một hệ thống dùng chung các cơ sở vật chất trên sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc đào tạo các ngành nghệ thuật, thể dục thể thao.
Bên cạnh đó, về chế độ đãi ngộ, ngoài phụ cấp trang phục, miễn, giảm học phí cho sinh viên cũng cần có thêm sự quan tâm dành cho giảng viên đặc biệt là liên quan đến không gian giảng dạy, phòng làm việc riêng cho giảng viên.
Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Đề cập thêm đến việc đẩy mạnh giáo dục nghệ thuật sớm cho học sinh, Tiến sĩ Phạm Trí Thành bày tỏ: “Trong một Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm có đề cập: Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển. Học hết lớp 12, ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ, tùy gia đình, tùy khả năng và năng khiếu các cháu đăng ký”.
Theo tôi, gợi mở này của Tổng Bí thư sẽ tạo ra hy vọng đối với việc đào tạo nghệ thuật, thể dục thể thao. Giáo dục nghệ thuật, thể dục thể thao cho học sinh từ các cấp học dưới là vấn đề sống còn. Mặc dù, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục đã được giảng dạy học sinh từ tiểu học nhưng chưa đồng bộ và vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng.
Ở châu Âu, học sinh sau khi học xong trung học có thể đã thành thạo ít nhất 2 bộ môn nghệ thuật. Bởi vậy, ở các nước này không có hệ đào tạo trung cấp. Với tình hình riêng của Việt Nam, tôi cho rằng vẫn nên để các trường đại học đào tạo nghệ thuật, thể dục thể thao mở hệ trung cấp, liên thông, đào tạo nguồn.
Việc có một Nghị định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao là yêu cầu cấp thiết. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta cần sớm thực hiện”.
Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Hồng Linh