Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Nhất quán chỉ đạo

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Nhất quán chỉ đạo
5 giờ trướcBài gốc
Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC
Nhìn nhận thuận lợi, thách thức trong dạy học tiếng Anh hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) đưa giải pháp thực thi yêu cầu để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, trong đó nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên và trường đào tạo giáo viên.
Chủ trương có tính chiến lược
- Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Đề án quốc gia từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm của ông như thế nào về sự cần thiết cũng như cơ hội mà Đề án đem lại trong việc nâng cao chất lượng việc dạy và học tiếng Anh?
- Việc Bộ GD&ĐT triển khai xây dựng Đề án quốc gia từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một chủ trương đúng đắn, có tính chiến lược, mang tầm nhìn dài hạn và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tiếng Anh không chỉ là một môn học mà trở thành một công cụ thiết yếu để tiếp cận tri thức, giao tiếp quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng môi trường học đường nơi tiếng Anh được sử dụng một cách thường xuyên, linh hoạt và thực chất sẽ góp phần hình thành thói quen sử dụng tiếng Anh trong học tập và cuộc sống, đặc biệt là với thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay.
Đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường đại học, Đề án không chỉ mở ra cơ hội để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, mà còn thúc đẩy các chương trình giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, góp phần quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam. Các trường như Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) sẽ có điều kiện để phát huy vai trò đầu tàu trong đào tạo giáo viên, phát triển học liệu, nghiên cứu phương pháp giảng dạy tiên tiến và hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương.
Chúng tôi tin rằng nếu được triển khai đồng bộ, lộ trình cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, cơ sở đào tạo và toàn xã hội, Đề án sẽ không chỉ nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, mà còn tạo nền tảng vững chắc để tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
- Ông nhìn nhận thế nào về thuận lợi, cũng như thách thức trong việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?
- Đây là một mục tiêu lớn và đầy ý nghĩa. Tôi cho rằng chúng ta đang có nhiều thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu này.
Trước hết, nhận thức xã hội về tầm quan trọng của tiếng Anh ngày càng cao. Học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả các nhà quản lý giáo dục đều nhìn nhận rõ tiếng Anh là công cụ không thể thiếu để học tập, làm việc và hội nhập. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai các mô hình dạy học tăng cường tiếng Anh hoặc dạy học một số môn học bằng tiếng Anh.
Thứ hai, hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học chuyên ngữ như Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) có tiềm lực về đội ngũ, chương trình đào tạo và kinh nghiệm hợp tác quốc tế để đồng hành và dẫn dắt quá trình này. Sự phát triển của công nghệ, học liệu mở và các công cụ số như trí tuệ nhân tạo cũng là những lợi thế rất lớn giúp tiếng Anh tiếp cận sâu rộng đến mọi vùng miền.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi là không ít thách thức. Thách thức lớn nhất có lẽ nằm ở sự chênh lệch giữa các vùng miền về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và khả năng tiếp cận tài nguyên. Ở một số nơi, việc sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giao tiếp trong lớp học còn khá mới mẻ, thậm chí là áp lực đối với giáo viên và học sinh.
Thêm vào đó, chúng ta cần một hệ sinh thái đồng bộ; từ chương trình, học liệu, phương pháp dạy học đến kiểm tra đánh giá và chính sách hỗ trợ. Nếu thiếu sự nhất quán trong chỉ đạo và thực thi, hoặc thiếu đầu tư chiến lược cho bồi dưỡng giáo viên, phát triển học liệu và ứng dụng công nghệ thì việc triển khai sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Tôi cho rằng, để vượt qua những thách thức này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống - từ Trung ương đến địa phương, nhà trường đến cộng đồng, trong đó các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò nòng cốt về đào tạo, hỗ trợ chuyên môn và lan tỏa mô hình.
PGS.TS Nguyễn Văn Long. Ảnh: NTCC
Phát triển đội ngũ giáo viên
- Ông có thể nói rõ hơn đâu là những giải pháp cần đưa ra trong Đề án để hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?
- Từ những thuận lợi và thách thức đã nêu, tôi cho rằng Đề án cần đưa ra một hệ thống giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn, vùng miền để thực sự hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Trước hết, giải pháp cốt lõi vẫn là phát triển đội ngũ giáo viên. Chúng ta cần xây dựng các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cũng như giáo viên các môn học khác có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh theo định hướng tích hợp ngôn ngữ và nội dung. Bên cạnh đó, cần thiết lập các chuẩn năng lực, hệ thống đánh giá và công nhận giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh một cách rõ ràng, khoa học và có lộ trình nâng chuẩn hợp lý, đặc biệt đối với địa phương còn nhiều khó khăn.
Thứ hai, cần chú trọng phát triển học liệu và tài nguyên số phục vụ việc học tiếng Anh và học bằng tiếng Anh. Đề án nên đầu tư cho hệ thống kho học liệu số quốc gia, học liệu mở, nền tảng học tập trực tuyến tích hợp công nghệ mới để hỗ trợ người học linh hoạt và tiếp cận theo năng lực cá nhân. Học liệu cần được thiết kế phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi và bối cảnh vùng miền.
Thứ ba, xây dựng môi trường sử dụng tiếng Anh trong và ngoài lớp học cũng là một hướng đi quan trọng. Tăng cường các hoạt động như câu lạc bộ tiếng Anh, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu quốc tế, học tập qua dự án hoặc các ngày học tập bằng tiếng Anh sẽ giúp học sinh có cơ hội sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, không áp lực.
Thứ tư, cần có cơ chế phối hợp liên ngành và liên vùng, trong đó các cơ sở giáo dục đại học - đặc biệt là trường chuyên ngữ đóng vai trò hạt nhân trong đào tạo, hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao mô hình, học liệu và công nghệ. Đồng thời, việc huy động nguồn lực xã hội hóa và hợp tác quốc tế cũng là chìa khóa giúp Đề án có thêm điều kiện triển khai thực tế và bền vững.
Cuối cùng, tôi cho rằng một yếu tố không kém phần quan trọng là sự đồng thuận và chủ động từ các địa phương và nhà trường. Đề án cần tạo cơ chế mở để các tỉnh, thành có điều kiện đi trước, làm điểm, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng và lan tỏa ra cả nước theo lộ trình phù hợp.
- Hiện nay, trình độ giáo viên tiếng Anh tại không ít địa phương còn hạn chế, trong khi đây là lực lượng nòng cốt, quyết định. Theo ông, cần làm gì để nâng cao năng lực đội ngũ?
- Đúng như nhận định, đội ngũ giáo viên chính là lực lượng then chốt quyết định sự thành công của Đề án đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, trình độ tiếng Anh và năng lực sư phạm dạy học bằng tiếng Anh của giáo viên còn hạn chế, không đồng đều. Để giải bài toán này, chúng ta cần một chiến lược dài hạn, đồng bộ và linh hoạt.
Trước hết, cần xây dựng lộ trình nâng chuẩn năng lực tiếng Anh cho giáo viên phù hợp với từng cấp học và từng điều kiện địa phương. Không thể áp dụng một chuẩn chung cứng nhắc, mà cần có mức độ tiếp cận tăng dần, từ bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ đến phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ. Bên cạnh các khóa đào tạo dài hạn, cần đẩy mạnh chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, trực tuyến, linh hoạt về thời gian và hình thức để giáo viên có thể học tập liên tục và phát triển nghề nghiệp.
Tiếp theo, cần xây dựng hệ thống đánh giá năng lực chuyên môn tiếng Anh và dạy học bằng tiếng Anh một cách thực chất, gắn với thực hành giảng dạy chứ không chỉ dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ. Các giáo viên cần được công nhận năng lực thông qua mô hình thực tế, tiết dạy minh chứng và quá trình bồi dưỡng liên tục có theo dõi và hỗ trợ.
Giờ học môn Tiếng Anh tại Banmai School (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Vai trò quan trọng của trường sư phạm
- Vai trò của trường đào tạo giáo viên, trong đó có Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) như thế nào trong việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong thời gian tới?
- Các trường đào tạo giáo viên, đặc biệt là các trường đại học chuyên ngữ, đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh - lực lượng then chốt quyết định sự thành công của Đề án quốc gia đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Trong hệ thống đó, với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chiến lược và lâu dài. Trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu mối trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh và giáo viên dạy học bằng tiếng Anh cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Trong thời gian tới, nhà trường xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, cũng như giáo viên dạy học bằng tiếng Anh theo hướng chuẩn hóa và cá nhân hóa.
Các chương trình này được thiết kế linh hoạt, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau có thể tiếp cận, nâng cao trình độ và áp dụng hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy. Song song đó, nhà trường đẩy mạnh xây dựng hệ thống học liệu mở, ngân hàng bài giảng số và nền tảng bồi dưỡng trực tuyến để hỗ trợ giáo viên học tập mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh việc phát triển học liệu và chương trình bồi dưỡng, nhà trường cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cố vấn chuyên môn và giảng viên nòng cốt có khả năng hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương trong công tác bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt tại những khu vực còn thiếu nguồn lực. Việc hình thành mạng lưới kết nối giữa các chuyên gia của trường đại học với giáo viên phổ thông giúp tạo ra một hệ sinh thái học tập chuyên môn liên tục, có chiều sâu và gắn với thực tiễn.
Ngoài ra, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế và trường đại học nước ngoài nhằm cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến, chia sẻ học liệu chất lượng cao và nâng cao năng lực cho đội ngũ thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, trao đổi chuyên môn. Với năng lực sẵn có và cam kết đồng hành cùng ngành Giáo dục, trường sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
- Xin cảm ơn ông!
Hải Bình (Thực hiện)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-hai-trong-truong-hoc-nhat-quan-chi-dao-post731537.html