PV: Thưa luật sư, việc khởi tố 5 người liên quan dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 sau kết luận thanh tra về các vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu, có dấu hiệu gây lãng phí hơn 1.253 tỷ đồng có ý nghĩa như thế nào trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực?
Luật sư Phạm Thành Tài: Chúng ta có thể thấy rằng, hiện tượng lãng phí trong thực tế diễn ra rất phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, có hệ lụy về vật chất (như suy giảm nguồn lực, tăng gánh nặng chi phí do quản lý, sử dụng tài sản công không hiệu quả) và các hệ lụy phi vật chất khác (như gây nhức nhối trong dự luận xã hội; làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước).
Gần đây, theo yêu cầu của Tổng Bí thư, các vụ việc lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm phải được chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm theo đúng tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Tổng Bí thư yêu cầu phải nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí và dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm.
Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2. (Ảnh: Lê Hoàng)
Theo đó, tôi cho rằng, việc khởi tố 5 người liên quan dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quyết liệt và mạnh mẽ của chính quyền trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, lãng phí , tiêu cực, cũng như là thực hiện triệt để theo chỉ đạo, yêu cầu của Tổng Bí thư.
PV: Sau hợp nhất cả nước có hàng nghìn công sở dôi dư và số lượng rất lớn phương tiện, trang bị làm việc được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước. Cần có phương án xử lý những tài sản này như thế nào để không gây thất thoát, lãng phí thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thành Tài: Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện là quyết định lịch sử, tạo không gian phát triển cho đất nước vươn mình, hướng tới giàu mạnh và hùng cường. Trong khối lượng công việc khổng lồ, phức tạp, nhạy cảm mà chúng ta đang làm, không thể không nói đến số tài sản công dôi dư sẽ được sử dụng như thế nào để không lãng phí, thất thoát.
Theo tôi, cần thiết phải có phương án cụ thể, đảm bảo có thể triển khai nhanh và hiệu quả như sau:
Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư nên ưu tiên số một cho việc chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao...).
Có những tài sản công nhỏ hoặc không phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện tại, không còn phù hợp với quy hoạch hoặc nhu cầu sử dụng thì các địa phương tự đánh giá và đưa ra quyết định phù hợp, thay vì chỉ dựa trên chỉ đạo chung.
Với những tài sản công có giá trị lớn, việc đấu giá để thu hồi nguồn lực cho nhà nước là cần thiết. Nhưng để đảm bảo công bằng và minh bạch, quá trình đấu giá cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh
Với xe ôtô phục vụ công tác chung của các đơn vị cấp huyện sau khi bỏ cấp huyện thì giao, điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu hoặc chưa có tài sản hoặc được xử lý theo quy định.
Đối với máy móc, thiết bị phổ biến, dùng chung và các tài sản khác ưu tiên tận dụng các tài sản còn khả năng sử dụng và chuyển đến địa điểm làm việc mới của đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để tiếp tục sử dụng, hạn chế tối đa việc phải mua sắm mới tài sản…
PV: Theo luật sư cần có giải pháp gì để chống lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước một cách hiệu quả?
Luật sư Phạm Thành Tài: Để khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản công, tôi cho rằng, trước tiên cần thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Trong đó, quy định rõ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, quy trình xử lý tài sản dôi dư và cơ chế giám sát việc sử dụng tài sản công.
Đặc biệt, tôi cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công là một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý. Việc xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công sẽ giúp theo dõi, giám sát và xử lý tài sản công một cách minh bạch và hiệu quả.
Nguyễn Vân/VOV.VN