Sáng 17-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cần bỏ “hậu kiểm thụ động”, chuyển sang chủ động giám sát
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng dự thảo Luật cần sửa đổi mạnh mẽ các quy định về hậu kiểm, vì hiện nay công tác này còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả, thiếu cơ chế phân tích rủi ro và giám sát độc lập.
Đại biểu chỉ rõ quy định tại Điều 47a chỉ cho phép kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm là quá thụ động, đi ngược với tinh thần “chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm” trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Theo đại biểu, cần bổ sung quy định hậu kiểm theo nguyên tắc rủi ro, tập trung vào sản phẩm có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và phương thức tham gia của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động hậu kiểm.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội).
“Đồng thời, cần sửa đổi Điều 22 của Luật hiện hành để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các tổ chức này được tham gia giám sát, kiến nghị thu hồi, công khai vi phạm. Cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp và bảo vệ thông tin đối với các tổ chức này”, đại biểu Hà nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được đại biểu Hà nhấn mạnh là tình trạng chồng chéo luật. Ví dụ, sản phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện chịu đồng thời sự điều chỉnh của Luật Chất lượng, Luật Tiêu chuẩn - Quy chuẩn và Luật An toàn thực phẩm. Mỗi luật yêu cầu công bố theo cách khác nhau, tạo khe hở để gian lận.
Đại biểu Hà kiến nghị việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải đặt nền tảng căn cơ, mang tính hệ thống, làm luật khung để các luật chuyên ngành khác như Luật An toàn thực phẩm,Luật Dược, Luật Hóa chất… khi xây dựng hoặc sửa đổi phải tuân thủ, dẫn chiếu thống nhất..
“Việc sửa từng luật một cách rời rạc sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề chồng chéo hiện nay...”, đại biểu Hà chốt lại.
Siết chặt hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Phát biểu tại đây, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) thống nhất việc ban hành dự luật để siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trước hàng loạt vụ việc, thực phẩm chức năng giả… được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua.
Theo đại biểu, quy định khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc như dự luật đưa ra (khoản 6, điều 6 dự thảo luật) là chưa đủ. “Một số nhóm sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm, cần quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc minh bạch, không thể chỉ dừng ở khuyến khích”, đại biểu Thu nói.
Đại biểu Thu cũng chỉ ra lỗ hổng lớn trong chính sách “tự công bố” sản phẩm hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp được tự đưa sản phẩm ra thị trường mà không cần cơ quan chuyên ngành kiểm nghiệm trước, tạo nguy cơ cao về sai lệch thông tin và gian dối về chất lượng, thành phần.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình)
Theo đó, đại biểu Thu kiến nghị cần giữ cơ chế tự công bố với sản phẩm thông thường để giảm thủ tục, nhưng phải bắt buộc công khai trực tuyến hồ sơ công bố, đồng thời đăng ký bắt buộc với nhóm sản phẩm có nguy cơ cao như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, thực phẩm dinh dưỡng y học…
“Phải có kết quả nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm công khai và ngăn chặn quảng cáo quá mức. Những tuyên bố như ‘chữa bệnh’, ‘giảm cân cấp tốc’… cần bị quản lý nghiêm ngặt”, đại biểu Thu nêu.
Ngoài ra, đại biểu Thu cũng đề xuất tăng chế tài xử phạt, thậm chí đình chỉ sản xuất, truy cứu hình sự và công khai tên doanh nghiệp vi phạm nếu sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Liên quan đến quy định cho phép hàng xuất khẩu không đạt chuẩn được “lưu thông nội địa nếu phù hợp quy chuẩn Việt Nam”, bà Thu phản đối và đề nghị bỏ quy định này để “người Việt không phải dùng hàng mà nước khác từ chối”.
NHÓM PHÓNG VIÊN