Cần tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo

Cần tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo
5 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật. Tại phiên thảo luận tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội…
Cần tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu thực tế trong bối cảnh hiện nay, khi quyền của phụ huynh và học sinh đang được đề cao, dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, đặc biệt là quyền để bảo vệ nhân phẩm và danh dự của mình, cụ thể hơn là quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự trên không gian mạng. Vì vậy, đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện, nhằm bảo vệ nhà giáo.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu thảo luận.
Đại biểu đồng tình với quy định tại Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.
Theo đại biểu, quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo. Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Đại biểu cho biết, đối với quy định về công tác đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo, đại biểu cho biết, thời gian gần đây một số vụ việc giáo viên có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, có hành vi phản cảm trong môi trường sư phạm, vi phạm đạo đức nhà giáo và ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh, cũng như giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Theo đại biểu, tại khoản 3 Điều 10 đã quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy tắc ứng xử của nhà giáo nhưng cần rà soát quy định tại các điều, khoản khác để làm rõ hơn các quy định của nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi, bạo lực xúc phạm nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh. Các chế tài xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.
Đề nghị quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo thành giờ dạy, tiết dạy
Góp ý về chính sách tiền lương cho nhà giáo tại Điều 27, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận.
Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được đảm bảo về thu nhập, đặc biệt ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.
Đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Đại biểu Thái Văn Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Thái Văn Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, về chế độ làm việc của nhà giáo, do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần…
Minh Khôi
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/can-tao-hanh-lang-phap-ly-vung-chac-toan-dien-nham-bao-ve-nha-giao-168441.html