Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể, nhằm tạo lập môi trường giáo dục bảo đảm dân chủ, kỷ cương, để nhà giáo thực sự yên tâm công tác, tâm huyết với nghề.
Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Trần Văn Tuấn nêu, ở các cơ sở giáo dục có các khẩu hiệu quen thuộc như “Tiên học lễ, hậu học văn” và khẩu hiệu “Dân chủ, kỷ cương, nền nếp, trách nhiệm”, nhưng còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể. Qua nghiên cứu các quy định đang có hiệu lực pháp luật, đại biểu cho rằng dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư về quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên song nội dung còn chung chung, chưa quy định cụ thể các chủ thể trong mối quan hệ giữa giáo viên - học sinh - cha mẹ học sinh. Do vậy, việc phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, nhất là trong mối quan hệ giữa giáo viên - học sinh - cha mẹ học sinh ở nhiều nơi còn bất cập. Nhiều giáo viên luôn cảm thấy học sinh và cha mẹ học sinh đang có rất nhiều quyền, còn quyền của giáo viên chỉ là hình thức, nên bất lực khi học sinh không tích cực, thiếu tinh thần tự giác học tập, thiếu lễ phép, tôn trọng thầy giáo, cô giáo.
Trong một số trường hợp, giáo viên thấy cần thực hiện biện pháp thực sự nghiêm khắc cũng rất khó, phần vì không có quy định cụ thể, phần vì e ngại có thể phải đối diện với phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội, thậm chí là tố cáo, khiếu kiện và đe dọa. Hậu quả là không ít thầy giáo, cô giáo đã lựa chọn cách ứng xử tiêu cực, đó là: Nhẫn nhịn, buông xuôi, làm việc cầm chừng, không phát huy hết năng lực, trí tuệ, tâm huyết của mình trong giảng dạy. Như vậy lâu dần, nhiều thầy giáo, cô giáo trở nên chán nản, bởi bên cạnh áp lực ngày càng cao do yêu cầu về số lượng, chất lượng công việc, còn chịu áp lực vì cảm thấy không được thực sự tự chủ trong công tác, thiếu sự tôn trọng, hợp tác, chia sẻ của học sinh và cha mẹ học sinh. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới có không ít giáo viên muốn chuyển nghề hoặc về nghỉ hưu sớm (ngay cả trong bối cảnh nhiều địa phương còn thiếu giáo viên và chế độ tiền lương, phụ cấp của giáo viên đang ngày càng được cải thiện, ưu tiên, ưu đãi hơn theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước).
Theo tinh thần Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế thì đối tượng tinh giản biên chế tập trung vào một số nhóm đối tượng, trong đó có đối tượng chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ hoặc có thời gian 2 năm bị đánh giá xếp loại chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống. Song nghịch lý là có giáo viên mặc dù đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực tốt, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và còn nhiều năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu… nhưng lại tha thiết đề nghị được đánh giá, xếp loại chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống để đủ điều kiện đưa vào diện cần tinh giản biên chế và được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Tình trạng trên tuy không phải là phổ biến song thật đáng lo ngại, cần có sự lắng nghe, nhìn nhận, đánh giá đầy đủ trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.
Từ những nhận định và đánh giá trên, để bảo đảm cho các nhà giáo được làm việc trong môi trường thực sự dân chủ, kỷ cương, từ đó yên tâm công tác, tâm huyết hơn với nghề, đại biểu đề nghị, tại Điều 6 về “Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo”, ngoài 9 nhóm chính sách cụ thể được xác định trong dự thảo Luật, cần nghiên cứu, bổ sung 1 nhóm chính sách là: Nhà nước có chính sách tạo lập môi trường giáo dục bảo đảm dân chủ, kỷ cương, để các nhà giáo phát huy đầy đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và tâm huyết với nghề.
Tại các Điều 8, 9, 10, 11 và một số điều luật cụ thể của dự thảo Luật đã có những quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, đạo đức nhà giáo, những việc nhà giáo và các tổ chức, cá nhân liên quan được làm và không được làm, song vẫn còn chung chung. Đại biểu đề nghị cần biên tập lại, đồng thời bổ sung một số quy định cụ thể trong dự thảo Luật (có thể là 1 chương riêng) về: Mối quan hệ giữa nhà giáo với học sinh và cha, mẹ học sinh; bảo đảm quy định đầy đủ, rõ ràng hơn quyền hạn (được làm gì và không được làm gì) của từng chủ thể trong mối quan hệ này (gồm giáo viên, học sinh và cha, mẹ học sinh). Qua đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hành và xử lý nghiêm khắc không chỉ đối với các nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà cả đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là học sinh và cha, mẹ học sinh khi có những hành vi thiếu tôn trọng, xúc phạm, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo. Trong đó, cần bổ sung quy định giáo viên được thực hiện một số biện pháp trách phạt thực sự nghiêm khắc đối với học sinh trong một số trường hợp cần thiết; nhằm chấn chỉnh, xây dựng môi trường giáo dục thực sự dân chủ, kỷ cương hơn.
Xuân Hà