Đại biểu Quốc hội đồng tình phương án giao quyền tuyển dụng giáo viên

Đại biểu Quốc hội đồng tình phương án giao quyền tuyển dụng giáo viên
3 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Ảnh: Moet.
Sáng 20/11, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Tại buổi họp, đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa chia sẻ rằng từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, ông nhận thấy thực trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là đối với giáo viên tiểu học, THCS thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ngày càng trầm trọng.
Trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản là các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo.
Vị đại biểu lấy ví dụ việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các yếu tố đặc thù của nhà giáo…
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Thức nhận thấy việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì. Vì thế, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.
Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát, cụ thể là địa phương không thể tuyển được giáo viên, không thể tổ chức dạy một số môn học…
“Do vậy, tôi đồng tình và thống nhất cao với việc dự thảo Luật giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Đây chính là quy định rất quan trọng có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn nhất và ngày càng trầm trọng về thừa, thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương”, đại biểu Trần Văn Thức nói.
Cũng quan tâm tới quy định về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám nhận thấy dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng tại điểm a, b khoản 2 Điều 16.
Đại biểu cho rằng việc trao quyền như vậy sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng tại điểm a khoản 3 về các trường hợp đặc cách ưu tiên để dễ thực hiện khi tuyển dụng, bảo đảm tính khả thi của quy định...
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Đỗ Huy Khánh, đoàn Đồng Nai đồng thuận với những nội dung đưa ra trong dự án Luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại điểm b, khoản 1, Điều 16, việc tuyển dụng nhà giáo, phương thức tuyển dụng là thông qua xét tuyển và thi tuyển. Trong đó, một số ý kiến cho rằng không cần thiết phải thực hành sư phạm.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, đây là một ngành đặc thù nên cần có quy định đặc thù. Nếu như trường sư phạm cần có bộ môn phương pháp, kiến tập và thực tập, khi thực hành sư phạm, chúng ta cũng cần đầy đủ kỹ năng của một giáo viên đứng lên bục giảng để có thể giảng dạy được.
Thái An
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-dong-tinh-phuong-an-giao-quyen-tuyen-dung-giao-vien-post1512459.html