Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tham gia thảo luận.
Cần hết sức cân nhắc về đề xuất nhà giáo khi tuyển dụng lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương. Vì, việc xếp lương lần đầu cần đặt trong hệ thống quy định về xếp lương của công chức, viên chức, đảm bảo đồng bộ với ngành nghề khác.
Quan điểm trên được đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu khi thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo), sáng 20/11.
Đề xuất đáng chú ý tại dự thảo là lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, xếp tăng 1 bậc lương cho nhà giáo khi tuyển dụng lần đầu.
Thảo luận tại tổ đã có nhiều ý kiến xoay quanh đề xuất này và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, rằng bảng lương của nhà giáo được sắp xếp lại để bảo đảm tương quan với công chức và với viên chức các ngành khác.
Thảo luận tại hội trường, một số vị đại biểu cho rằng cần có thang, bảng lương riêng cho nhà giáo. Bên cạnh đó cũng còn không ít vấn đề về tiền lương nhà giáo, theo đại biểu cần được cân nhắc thấu đáo hơn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo.
Theo đại biểu Cường, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng lương thì vẫn là không phù hợp. Vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Ngoài ra, theo đại biểu thì cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng việc xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo phải đi đôi với chất lượng của đội ngũ này.
Trong thời gian qua, đại đa số đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ, đạo đức rất tốt, nhưng vẫn còn một số giáo viên, kể cả lãnh đạo cấp quản lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra những câu chuyện đáng buồn đến mức phải xử lý, ông Mai nêu thực tế. Vị đại biểu Đắk Nông đề nghị phải có các quy định về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức, tận tâm với nghề nghiệp.
Dự thảo quy định nhà giáo tại cấp học mầm non, công tác tại nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ven biển, hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập, là người dân tộc thiểu số… được ưu tiên chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo khác.
Theo đại biểu Mai, cần rà soát, đánh giá cho phù hợp và chỉ nên áp dụng chính sách ưu tiên nêu trên đối với nhà giáo tại cấp học mầm non, chuyên biệt và công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Với đề xuất nhà giáo khi tuyển dụng lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương, ông Mai cũng cho rằng cần hết sức cân nhắc, vì việc xếp lương lần đầu cần đặt trong hệ thống quy định về xếp lương của công chức, viên chức, đảm bảo đồng bộ với ngành nghề khác.
Theo đại biểu, ngành y tế thời gian đào tạo, áp lực công việc, độ khó công việc không kém so với nhà giáo, nhưng cũng chưa có ưu đãi này.
Việc xếp tăng 1 bậc lương chỉ nên áp dụng với nhà giáo tại cấp học mầm non, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo… và phải có cam kết công tác 3 - 5 năm, vị đại biểu Đắk Nông nói.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) cũng thống nhất chủ trương chú trọng việc chăm lo chế độ chính sách đối với nhà giáo.
Theo nữ đại biểu thì thời gian qua, chính sách hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho sinh viên sư phạm đã thu hút nhiều học sinh giỏi dự thi vào ngành này. Chất lượng đầu vào ngành sư phạm ngày càng tăng, đã hết cảnh "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".
Tuy nhiên, đầu vào ngành sư phạm ngày càng tốt hơn, điều cần quan tâm tiếp theo là đầu ra, phải có chính sách để các thầy cô sống khi ra trường được bằng nghề, theo đuổi được đam mê nghề nghiệp.
Dự thảo luật và dự thảo nghị định đã quy định 9 nhóm chính sách về tiền lương, phụ cấp và thu hút nhà giáo. Nhưng đại biểu Thủy cho rằng cần xem xét đến việc ngân sách liệu có đảm bảo để thi hành các chính sách này hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ.
Xây dựng chính sách ưu tiên với nhà giáo thì cần đặt trong mối quan hệ hài hòa với đội ngũ trí thức và nghề nghiệp khác, nhất là đội ngũ cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ví dụ như lĩnh vực y tế hiện cũng có nhiều khó khăn, nhất là y tế công, bà Thủy góp ý.
Hồi âm băn khoăn cua đại biểu, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói khi đề xuất chính sách về tiền lương cho nhà giáo cũng đã nhìn các ngành khác chứ không muốn nhà giáo có đặc quyền, đặc lợi, ưu ái bất thường.
"Nhà giáo vốn dĩ là những con người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh mình những người khác nghèo hơn mình. Điều đó nhà giáo không chấp nhận đâu", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Theo ông Sơn, chỉ vì một điều là còn một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo hiện nay vẫn còn ở mức chưa đủ sống. Mà chưa đủ sống thì không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học được. Với một đất nước vừa thoát nghèo, chưa phải là nước giàu mà khi cần ưu tiên thì không thể dàn hàng ngang, ưu tiên cho tất cả mọi điều được. Khi đã xét giáo dục là đột phá chiến lược, quốc sách hàng đầu thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên. Còn cụ thể lương thế nào để đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu cho nhà giáo thì luật cũng quy định một vài nguyên tắc. Còn cụ thể thì dành cho Chính phủ quy định cụ thể đúng như nguyên tắc làm luật ta đang đề cập, Bộ trưởng phát biểu.
Nguyễn Lê