Nên xác định thời gian soạn bài, chấm bài là thời gian lao động
Đại biểu Thái Văn Thành nêu rõ, dự thảo Luật Nhà giáo là một trong những dự án luật được đông đảo cử tri quan tâm, được đội ngũ nhà giáo mong đợi từ lâu, kỳ vọng khi luật được ban hành và có hiệu lực sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo, giúp nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục, cơ bản khắc phục được bất cập trong quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà lên tầm cao mới.
Đại biểu đánh giá, về cơ bản, hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng công phu, khoa học, bài bản, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm nội dung về cán bộ quản lý giáo dục là viên chức công tác ở cơ quan nghiên cứu khoa học đã là giáo viên, giảng viên vào khoản 5, Điều 4. Đồng thời, cần bổ sung nội dung làm rõ thuật ngữ “cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục” để phân biệt với “cơ quan quản lý giáo dục”, tránh hiểu nhầm đây là hai hệ thống giáo dục khác nhau.
Đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) phát biểu
Về chế độ làm việc của nhà giáo, do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc, đại biểu đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần.
Ngoài ra, đại biểu cho biết, nội dung về quản lý nhà giáo đã được quy định ở một số luật, do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để tránh trùng lặp, bỏ sót nội dung quản lý Nhà nước về nhà giáo. Đồng thời, cần có quy định phân cấp quản lý Nhà nước đối với nhà giáo.
Xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đội ngũ nhà giáo
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ vui mừng vì nếu Luật Nhà giáo được thông qua sẽ giúp các nhà giáo không cần loay hoay giữa các hoạt động chuyên môn và ứng xử xã hội. Theo đại biểu, luật cần quy định thật khắt khe, đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thật thỏa đáng để nhà giáo toàn tâm, toàn ý với nghề.
Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị bổ sung, nhà giáo không chỉ nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp, mà phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội. Đồng thời, cần quy định nhà giáo được ưu tiên trong các hoạt động xã hội. Phải cấm các hành vi, lời nói xúc phạm đến nhà giáo trong mọi trường hợp. Nhà giáo phải được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, không chỉ trong hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp, mà phải được tôn trọng mọi nơi, mọi lúc.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thảo luận
Đại biểu cũng nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Theo đại biểu, kể cả có nâng lương giáo viên lên mức cao nhất trong bảng lương vẫn là không phù hợp. Vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo.
Bên cạnh đó, cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động để nhà giáo yên tâm công tác.
Huệ Linh